Chất lượng nguồn tuyển đầu vào ngành sư phạm cũng được quan tâm.
Tăng chất lượng nguồn tuyển
Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được các địa phương, trường đào tạo sư phạm hưởng ứng tích cực. Từ đó, việc đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng; tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thực trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề.
Trường ĐH Đồng Tháp là trường duy nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đào tạo tất cả ngành sư phạm phục vụ Chương trình GDPT 2018. Thông tin từ ban tuyển sinh, các ngành sư phạm Công nghệ, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục công dân được quan tâm đầu tư, tuyển sinh và đào tạo.
Đặc biệt, 2 ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật tại Đồng bằng sông Cửu Long duy nhất có Trường ĐH Đồng Tháp đào tạo. Về chính sách ưu đãi, thí sinh trúng tuyển các ngành đào tạo giáo viên được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, ngoài ra còn nhận mức học bổng tương ứng với mức học phí Khối ngành VII (tương đương 6 triệu đồng/học kỳ) khi xếp loại giỏi.
Năm 2023, Trường ĐH Trà Vinh xét tuyển các ngành đại học Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Tiểu học, Sư phạm Mầm non, Sư phạm tiếng Khmer; Cao đẳng Mầm non. Theo ThS Nguyễn Đồng Khởi, Trưởng ban tuyển sinh, trường thực hiện chế độ miễn giảm học phí theo Nghị định 116 của Chính phủ đối với các thí sinh nằm trong diện đặt hàng đào tạo của các tỉnh với trường.
Phương thức tuyển sinh, dự kiến xét bằng học bạ lớp 12 (điều kiện thí sinh loại giỏi); xét điểm thi tốt nghiệp THPT (điều kiện thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo đầu vào của Bộ GD&ĐT). Ngoài ra, trường còn xét bằng điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và xét tuyển thẳng theo quy chế xét tuyển đại học.
Khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) là đơn vị trọng điểm đào tạo sư phạm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, trong những năm qua, điểm tuyển ngành sư phạm luôn ở mức cao. Như năm 2022, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Cần Thơ ở mức 27 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2021; ngành cao thứ nhì là Sư phạm Ngữ văn với 26,5 điểm. Bên cạnh đó, nhiều ngành có điểm chuẩn trên 26 như Sư phạm Giáo dục công dân, Sư phạm Toán học, Sư phạm Địa lý...
Theo ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Cần Thơ), năm 2023 trường tập trung vào 2 phương thức chính là xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và dựa vào điểm học bạ THPT. Bên cạnh đó, trường còn có phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; tuyển chọn vào chương trình tiên tiến và chất lượng cao; xét tuyển thẳng vào học bồi dưỡng kiến thức...
Giáo viên môn mới Chương trình GDPT 2018 đang thiếu nên trường sư phạm tăng tốc đào tạo. Ảnh: Quốc Ngữ |
Giải nút thắt… đầu ra
Bên cạnh thuận lợi, theo chia sẻ của lãnh đạo các trường đào tạo sư phạm, việc đào tạo theo đặt hàng của địa phương hiện nay còn gặp khó khăn trong giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Giáo sinh theo học dù được cấp học bổng, ưu đãi, hỗ trợ trong quá trình học nhưng đầu ra lại bị “tắc” do vẫn theo quy định tuyển dụng viên chức chung, không có trường hợp ngoại lệ hay đặc cách.
Về chỉ tiêu đào tạo sư phạm, các trường đã liên hệ với sở GD&ĐT trong vùng nhưng chưa nhận phản hồi. Do đó, nhiều đơn vị không có chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đơn cử như Trường ĐH Bạc Liêu, năm 2023 không tuyển sinh ngành sư phạm hệ đại học (đang xem xét đề án tuyển sinh đại học Giáo dục Tiểu học). Theo lãnh đạo nhà trường, năm 2022, trường được cấp mã đào tạo 4 ngành sư phạm: Toán, Hóa, Sinh, Giáo dục Mầm non. Tuy nhiên, sau khi bảo vệ các chỉ tiêu, nhà trường chỉ được đào tạo Sư phạm Hóa với 15 chỉ tiêu, còn lại không đủ điều kiện theo Nghị định 116 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm cũng gặp khó giữa địa phương và nhà trường. Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, trường kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét sớm cấp bổ sung kinh phí về sinh hoạt phí khóa tuyển sinh năm 2021 và năm 2022 cho nhóm sinh viên sư phạm theo Nghị định 116. Khoảng 300 sinh viên đăng ký hưởng chính sách của tỉnh Long An và Vĩnh Long nhưng địa phương không đặt hàng nên trường gặp khó về kinh phí để chi trả cho hoạt động đào tạo.
Trao đổi về công tác đào tạo giáo viên tại Đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho hay: Cần xem xét và đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên mới tuyển dụng, nhất là nhóm giáo viên tuyển từ năm 2020 trở về sau để đảm bảo việc bồi dưỡng đạt được kết quả đồng bộ, tránh độ vênh trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Đặc biệt, cần xây dựng đề án tổng thể hoặc chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên dựa trên các kết quả nghiên cứu thực trạng, nhất là kết quả dự báo để có thể đảm bảo sự phát triển bền vững. Điều cần chú ý là các dữ liệu nên được số hóa để quản lý dài lâu, tính kết nối và nhất quán khi đầu tư…
Theo lãnh đạo Trường ĐH Đồng Tháp, nhà trường đã chi trả cho sinh viên theo học các ngành đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ với mức 3.630.000 đồng/tháng/người. Trong năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT tỉnh Long An đã trích hơn 2 tỷ đồng đặt hàng đào tạo 66 sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh 2021 đang theo học tại trường.