Theo đó, Hội nghị đã nghe các diễn giả đến từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cùng các chuyên gia y tế và đại diện tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá quốc tế báo cáo tham luận và đưa ra những giải pháp tăng thuế thuốc lá để hạn chế người hút mới, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật dẫn đến tử vong sớm do thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ThS-BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp gây chết sớm cho một nửa số người dùng. Những tác hại nguy hiểm của căn bệnh nghiện thuốc lá. Đặc biệt là khói thuốc lá chứa 7.000 hợp chất độc hại, trong đó có 69 hợp chất gây ung thư.
Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.
Tổn thất kinh tế ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm ( tương đương gần 1% GDP của năm ước tính 2011). Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, và tổn thất tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm do hút thuốc lá gây ra ở Việt Nam
Ngoài ra, sự lãng phí đáng kể nguồn lực khi người dân Việt Nam chi ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá hút trong năm 2015 = 2,4 triệu tấn gạo, đủ nuôi sống 14,3 triệu người trong một năm (GATS 2015)…
Một số nguyên nhân được chỉ ra cho tình trạng thuốc lá gia tăng tiêu thụ, khó bị ngăn ngừa đó là sự ảnh hưởng bới các chiến lược tiếp thị sai trái. Đồng thời, giá thuốc lá vẫn còn khá rẻ ở mức chấp nhận được cũng là một nguyên nhân khiến người nghèo, thanh thiếu niên chọn sử dụng thuốc lá…
Theo ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện tổ chức WHO Việt Nam cho biết, việc tăng thuế thuốc lá có thể giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, từ đó giảm tỷ lệ ung thư phổi…
Theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế Giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển, 5% ở các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới ước tính để việc tăng thuế giúp đạt được mục tiêu của chiến lược quốc gia thì thuế thuốc lá cần tăng đủ cao để có thể tác động làm giảm 3% (tuyệt đối) tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020.
Theo ThS Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ phòng chống thuốc lá của Bộ y tế, cho biết, việc tăng thuế thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng mà còn mang lại những lợi ích kinh tế nhất định.
Mức thuế thuốc lá hiện nay của Việt Nam còn rất thấp (khoảng 35,6% giá bán lẻ) so với các quốc gia khác như Thái Lan, Philippines. Chính vì vậy, việc tăng mạnh thuế thuốc lá có thể tăng doanh thu thuế, đồng thời giảm tiêu dùng thuốc lá.
Theo khuyến cáo của WHO, thuế thuốc lá ở Việt Nam nên tiếp tục tăng sao cho thuế chiếm 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ. Mặt khác, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặc hàng này dù đã tăng lên 70% giá xuất xưởng (từ năm 2016) nhưng vẫn mức rất thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tăng thuế tuyệt đối ở mức 2.000 đồng hoặc 5.000 đồng mỗi bao thuốc lá vào năm 2020, đồng thời tăng tới khi đạt 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo tính toán việc tăng thuế 5.000 đồng mỗi bao có thể giảm được 1,8 triệu người hút, tránh được tử vong sớm cho 900.000 ca mỗi năm, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước lên 10.700 tỷ đồng mỗi năm.