Tăng quyền tự chủ cho trường học

GD&TĐ -  Thực tế cho thấy, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường giúp cơ sở giáo dục chủ động triển khai các hoạt động...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Cách đây 9 năm, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 791/HD-BGDĐT hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, bắt đầu từ năm học 2013 - 2014.

Từ đây, 8 cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước được chọn thực hiện xây dựng chương trình nhà trường. Khi ấy, khái niệm này còn rất mới ở nước ta, trong bối cảnh cả nước vẫn thực hiện một chương trình quốc gia tập trung hóa cao độ, quy định chi tiết về từng bài học cụ thể, thời gian dạy học cho mỗi bài…

Nghị quyết 29/NQ-T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã xác định: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD-ĐT; phát huy vai trò của hội đồng trường... Từ đó, đặt ra cho cả hệ thống giáo dục phải thay đổi cách tư duy, quản lý, quản trị nhà trường, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục để xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục của nhà trường. Luật Giáo dục quy định, nhà trường phải công bố công khai kế hoạch giáo dục. Từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường không còn “khuyến khích” mà là bắt buộc.

Kế hoạch giáo dục của nhà trường là kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện chương trình giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Kế hoạch này là cụ thể hóa các hoạt động của nhà trường để thực hiện chương trình giáo dục cấp học sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể về đội ngũ giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí, các đặc điểm cụ thể của địa phương, nhà trường. Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông căn cứ theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục, khung kế hoạch thời gian năm học và điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục.

Có thể nói, kế hoạch giáo dục nhà trường là sản phẩm của hoạt động quản lý, kết quả của quá trình tư duy, thể hiện hoạt động có trình độ tổ chức cao, thay thế hoạt động manh mún, thiếu phối hợp, thất thường; thay thế cho cách quản lý ứng phó theo mục tiêu. Thực tế cho thấy, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường giúp cơ sở giáo dục chủ động triển khai các hoạt động, tận dụng thời gian tối ưu để thực hiện kế hoạch giáo dục; dự kiến được khó khăn có thể gặp phải và chuẩn bị phương án khắc phục. Chính điều này đã giúp các trường có thể triển khai hoạt động dạy học hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hai năm học vừa qua.

Tất nhiên, vì mới nên vẫn có cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi xây dựng kế hoạch giáo dục. Một số trường khi xây dựng chưa xác định điều kiện thực tế của trường mình, chưa phát huy được đội ngũ, cơ sở vật chất, từ đó hiệu quả áp dụng chưa cao. Có trường thiếu chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh, bổ sung kế hoạch để phù hợp tình hình thực tế. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đòi hỏi sự nghiên cứu, thu thập thông tin, nắm vững nội dung chương trình, kế hoạch dạy học và giáo dục của nhà trường, nên có nơi còn gặp khó khăn do năng lực cán bộ quản lý, giáo viên hạn chế, lúng túng trong xây dựng kế hoạch cũng như triển khai thực hiện…

Để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hiệu quả, cần cho đội ngũ quản lý, giáo viên thấu hiểu tầm quan trọng của việc này. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn cần tiên phong dẫn dắt đội ngũ để có đủ năng lực cùng với lãnh đạo nhà trường xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục. Tăng tính chủ động tích cực, dân chủ của cán bộ, giáo viên trong xây dựng, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các nội dung của kế hoạch giáo dục nhà trường định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu. Trong đánh giá hiệu quả công việc cũng cần xem kế hoạch giáo dục là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành cũng như việc chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, GV trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.

Cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: INT

Bảo vệ danh dự, uy tín người thầy

GD&TĐ - Theo luật sư, không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật...

Việc tham gia các giải chạy hoặc tập các môn thể thao cần phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và tính chất công việc. Ảnh: H.Y

Hiểm họa từ tập thể dục quá sức

GD&TĐ - Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.