Chủ động phương án
Ngay từ trước khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục Thái Nguyên đã chủ động chuẩn bị các phương án tổ chức dạy học để phù hợp, thích ứng với tình hình thực tiễn về dịch bệnh, triển khai đến các đơn vị, nhà trường.
Sở GD&ĐT Thái Nguyên nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị trường học có trách nhiệm tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh hạn chế ra khỏi địa phương, hạn chế tiếp xúc với người thường xuyên đi xa hoặc mới đi xa trở về; Hướng dẫn cán bộ, giáo viên và học sinh tự theo dõi sức khỏe và kiểm tra thân nhiệt ở nhà, trước khi đến trường.
Cán bộ, giáo viên, học sinh khi đi đến trường và trở về nhà thực hiện tốt phương án “một cung đường - hai điểm đến”. Khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân hay công cộng, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các trường có hợp đồng xe đưa đón học sinh, yêu cầu chủ phương tiện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Về chuyên môn, ngành cũng hướng dẫn các nhà trường tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Đối với việc dạy học trực tuyến, ngành lưu ý các nhà trường một số điểm như: tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi; thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần.
“Ngành đã hướng dẫn các đơn vị, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục; không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp” - ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên nhấn mạnh.
Những ngày đầu thuận lợi
Theo quy định của UBND tỉnh Thái Nguyên, năm học 2021 - 2022, các địa phương cấp huyện/thành sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh, xem xét quyết định và chịu trách nhiệm về hình thức tựu trường, tổ chức khai giảng năm học mới; phương án học tập của học sinh, sinh viên, học viên các cấp học, bậc học trên địa bàn, bảo đảm phù hợp, an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 9 địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang cho học sinh đến trường học trực tiếp.
Tại Thị xã Phổ Yên, 74/74 trường học trên địa bàn đang tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp, với tổng số trên 43 nghìn học sinh. Sau khai giảng, xác định đây là thời điểm “vàng”, các nhà trường đã tranh thủ dạy học trực tiếp theo kế hoạch, tập trung trang bị cho học sinh các nội dung cốt lõi trong chương trình, tạm dừng các hoạt động ngoại khóa. Toàn bộ thời gian biểu, thời khóa biểu đều được các trường sắp xếp để linh hoạt để thích ứng.
Thị xã Phổ Yên đã chỉ đạo các xã, phường, khu dân cư tăng cường phối hợp với các trường học thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 từ ngoài cổng trường, bảo đảm giãn cách và không tập trung đông người khi đưa, đón học sinh.
“Đối với các trường có quy mô từ 400 học sinh trở lên phải chia 50% học ca sáng, 50% học ca chiều. Toàn bộ các lớp 1, lớp 2 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới mặc dù chưa thực hiện học 2 buổi/ngày nhưng ngành Giáo dục thị xã đã xây dựng thời gian học tăng số tiết, tăng thêm buổi học vào sáng thứ 7 hàng tuần và dạy học nội dung cốt lõi” - bà Nguyễn Thị Lượng, Trường Phòng GD&ĐT Thị xã Phổ Yên cho biết.
Tại trường Tiểu học Gia Sàng (Thành phố Thái Nguyên), gần 1.000 học sinh tại 26 lớp đang học trực tiếp. với sự phối hợp kiểm soát thông tin hằng ngày giữa giáo viên với gia đình. “Để tận dụng hiệu quả thời gian, nhà trường đã sắp xếp giáo viên và thời khóa biểu theo hướng tranh thủ dạy học các nội dung cốt lõi của chương trình. Việc dạy học sau tuần đầu năm học mới cho thấy khá thuận lợi và đảm bảo” – cô giáo Trương Kim Khánh, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.
Bên cạnh việc triển khai tốt dạy học trực tiếp trên lớp, để chuẩn bị và linh hoạt trong công tác dạy học, các trường đã chú trọng xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Thái Nguyên, Phòng đã tổ chức tập huấn một số nội dung cần thiết cho giáo viên các nhà trường về phần mềm Microsoft Teams, Office 365; ứng dụng Edu one, vnedu; cơ sở dữ liệu dùng chung. Đáng chú ý, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho phương thức dạy học trực tuyến khi cần thiết, giáo viên các trường trên địa bàn đã xây dựng được hơn 1.100 video bài giảng, hướng dẫn học tập.