Tăng học phí: Cần sự chia sẻ từ hai phía

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học và địa phương thông báo tăng mức học phí trong năm học 2022 - 2023. Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, chưa nên tăng học phí ở thời điểm này và cần có sự chia sẻ từ đôi bên.

Tăng theo lộ trình

Áp dụng Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, năm học 2022 - 2023 mức học phí các trường đại học tăng mạnh. Theo lý giải của nhà trường, thực hiện tự chủ, mức thu có thể cao hơn 2 - 2,5 lần so với mức trần.

Từ năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ tăng học phí theo lộ trình được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Theo thông báo của trường, so với năm học 2021 - 2022, học phí năm học tới tăng từ 30% đến 71%. Nhóm y dược (Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) và Răng - Hàm - Mặt tăng từ 1,43 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Mức tăng của chương trình điều dưỡng tiên tiến từ 3,146 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 3,7 triệu đồng/tháng/sinh viên. Hệ cử nhân vừa học vừa làm cũng có mức điều chỉnh. Đối với đào tạo trong giờ hành chính tăng từ 2,75 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 2,775 triệu đồng/tháng/sinh viên; ngoài giờ hành chính tăng từ 3,465 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự kiến học phí năm học 2022 - 2023 tương đương 42 triệu đồng; năm học 2023 - 2024 là 44 triệu đồng; năm học 2024 - 2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025 - 2026 là 48 triệu đồng. Tính riêng năm học 2022 - 2023, học phí của trường này tăng thêm 24% (khóa tuyển sinh năm 2021, mức học phí là 35 triệu đồng/năm/sinh viên).

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vừa công bố phương án tuyển sinh và dự kiến mức học phí. Cụ thể, mức học phí hệ đại trà từ 21,5 - 27 triệu đồng/năm. Năm học 2021 - 2022 là 11,7 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao từ 32 - 47,3 triệu đồng/năm.

Mới đây, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026. Theo đó, từ năm học 2022 - 2023, Hà Nội dự kiến tăng học phí lên gấp đôi so với năm ngoái.

Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo của thành phố. Theo đó, mức tăng học phí của địa phương này dự kiến gấp 5 lần so với hiện tại.

Năm học 2022 - 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo tăng học phí. Ảnh minh họa: TG
Năm học 2022 - 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo tăng học phí. Ảnh minh họa: TG

Cần hợp lý và đúng thời điểm

Theo ghi nhận từ phía phụ huynh và chuyên gia, đại biểu Quốc hội, tăng học phí sẽ tạo ra gánh nặng không hề nhỏ, nhất là với những gia đình có thu nhập thấp. Thực tế cho thấy, đầu năm học, ngoài học phí, phụ huynh còn phải dành ra khoản tiền lớn cho việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cùng nhiều khoản phí đầu năm học...

Nhà có 3 người con (cháu lớn học đại học, 1 cháu học lớp 11 và cháu út lên lớp 7 trong năm học tới), năm nào cũng vậy, vợ chồng chị Nguyễn Diệp Linh, tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) thường phải dành một khoản tiền không nhỏ để mua sắm, trang trải và nộp khoản phí cho các con khi bước vào năm học mới. Hai vợ chồng đều là công nhân nên không mấy dư dả. Hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Có thời gian dài hai vợ chồng chị phải nghỉ việc ở nhà do đại dịch. “Nếu các trường, địa phương tăng học phí trong năm học tới sẽ đồng nghĩa với việc tăng nỗi lo và gánh nặng cho gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác”, chị Linh phân trần.

Đồng quan điểm, anh Dương Văn Đồng ở Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) đặt vấn đề, chưa nên tăng học phí ở thời điểm này, vì người dân vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh Đồng đề xuất: Năm học 2022 - 2023 giữ ổn định mức học phí như năm trước, nếu có tăng thì sẽ áp dụng vào năm học 2023 - 2024 để phụ huynh dần phục hồi kinh tế, sản xuất.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng: Việc tăng các loại phí, thuế, trong đó có cả học phí, là áp lực khách quan. Theo đại biểu, cần có sự công bằng trong ứng xử và chia sẻ rủi ro như nhau. Một bên muốn tăng phí vì những tác động khách quan, nhưng bên nộp phí cũng cần được chia sẻ. Người đóng phí cũng chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài. Do đó, phải có lộ trình, mức tăng hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay và cần có sự chia sẻ rủi ro cho cả đôi bên.

Liên quan đến vấn đề tăng học phí, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV - nhìn nhận: Mức học phí được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và nằm trong khung quy định của Chính phủ, cụ thể là Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, tăng chi phí ở bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống, kể cả học phí thì người dân đều khó chấp nhận và có phản ứng ban đầu. Vì thế cần sự hợp lý và đúng thời điểm.

Ông Tứ phân tích: Mới trải qua đại dịch Covid-19, nền kinh tế bị ảnh hưởng, đồng thời chi phí sinh hoạt tăng cao… Vì vậy, phụ huynh lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Song điều quan trọng hơn cả là sự công khai, minh bạch trong thu chi của nhà trường, nhất là với hệ thống trường công lập. Trên hết là “chặn” tình trạng lạm thu, bởi thực tế, các khoản chi khác trong năm học còn cao hơn nhiều so với học phí.

Ngoài ra, nếu học phí tăng thì chất lượng giáo dục, đào tạo phải nâng lên và người học được hưởng môi trường học tập tốt nhất. “Tôi tin rằng, phụ huynh sẽ đồng thuận nếu vấn đề này được thực hiện tường minh, thấu đáo”, ông Tứ bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt vấn đề: Tăng học phí như thế nào phải tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng. Người đóng phí cũng chịu các tác động ngoại cảnh, là rủi ro chung nên cần được chia sẻ. Mức tăng học phí phải thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ cả hai chiều. Hiện, các dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện, khi có cơ sở bền vững thì tăng và tăng có lộ trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.