Dự kiến tăng học phí trường công lập: Vừa mừng, vừa lo…

GD&TĐ - Ngoài dự kiến tăng học phí năm học 2022 - 2023, dự thảo của UBND TPHCM cũng đề xuất thu học phí ở bậc tiểu học tại các cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Học sinh Trường Tiểu học Âu Dương Lân (Quận 8, TPHCM) đến trường. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Âu Dương Lân (Quận 8, TPHCM) đến trường. Ảnh: TG

Tăng học phí để bảo đảm chất lượng vận hành cơ sở giáo dục là việc cần thiết, nhưng đối diện với những tác động của dịch Covid-19, nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn.

Mức học phí dự kiến cao nhất là 300.000 đồng/tháng

TPHCM đang lấy ý kiến góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TPHCM theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Theo dự thảo, ngoài bậc tiểu học không thu học phí, các bậc học khác đồng loạt tăng học phí. Cụ thể, ở bậc mầm non, tại các quận, lớp nhà trẻ sẽ nâng học phí từ 200.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, mức tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Với cấp học nhà trẻ nhóm 2  (huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ) áp dụng mức thu học phí bằng mức sàn theo khung học phí năm học 2021 - 2022 quy định tại Nghị quyết số 28/2021/NQ-HĐND của HĐND Thành phố thông qua ngày 9/12/2021.

Theo dự thảo, mức tăng cao nhất là 240.000 đồng/tháng ở cấp THCS và Giáo dục thường xuyên THCS. Cụ thể, ở bậc THCS, học sinh bậc THCS, GDTX THCS các quận sẽ đóng mức học phí từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước. Học sinh bậc THCS, GDTX THCS thuộc các huyện tại TPHCM đóng học phí từ 30.000 đồng/học sinh/tháng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.

Ở bậc THPT, học sinh thuộc các quận nội, ngoại thành TPHCM bậc THPT, GDTX THPT sẽ tăng từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ bậc THPT, GDTX THPT sẽ tăng học phí từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng. Như vậy, học sinh bậc THCS, GDTX THCS ở các quận, TP Thủ Đức có mức tăng cao nhất nếu dự thảo này được thông qua.

Một điểm đáng chú ý, trong dự thảo này, TPHCM đề xuất quy định mức học phí đối với giáo dục tiểu học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ năm 2022 - 2023, mức thu ở nhóm 1 là 300.000 đồng/tháng và nhóm 2 là 100.000 đồng/tháng.

Theo lý giải, nội dung trong dự thảo áp dụng theo quy định tại các Khoản 1 Điều 14; điểm a Khoản 2 Điều 9; điểm a Khoản 2 Điều 20 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Từ đó, UBND Thành phố đề xuất bổ sung quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa tự bảo đảm chi thường xuyên bằng mức học phí theo quy định đối với THCS đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Việc quy định mức học phí đối với cấp tiểu học làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân, UBND Thành phố đề xuất trình HĐND quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không quá 7,5%/năm và không vượt mức trần quy định.

Học sinh một trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Ảnh: TG
Học sinh một trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Ảnh: TG

Học phí có thể tăng nhẹ hoặc tăng theo lộ trình

Là phụ huynh có 2 con đang học phổ thông, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: Trong bối cảnh vật giá tăng như hiện nay, chi phí cho tổ chức và quản lý hoạt động dạy học tại các cơ sở giáo dục chắc chắn sẽ tăng lên. Điều này dẫn tới việc các trường gặp không ít khó khăn để bảo đảm chất lượng đào tạo. Do đó, ngoài việc tăng ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước, tăng học phí cũng là một trong những giải pháp giúp các cơ sở giáo dục thuận lợi trong tổ chức hoạt động dạy học.

“Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng chịu sự tác động không nhỏ bởi giá cả thị trường. Nay chi phí học tập cho con em tăng lên sẽ là gánh nặng về tài chính đối với họ, đặc biệt thời gian dịch Covid-19 kéo dài vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của nhiều hộ gia đình. Vì vậy theo tôi, học phí có thể tăng nhẹ hoặc tăng theo lộ trình để giúp phụ huynh thích ứng dần. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, để tăng học phí không ảnh hưởng đến việc học của các em…”, PGS.TS Bùi Văn Hồng chia sẻ.

Trong khi đó, chị Bích Ngọc (có con học mầm non tại Quận 7, TPHCM) khi nghe tin có dự thảo tăng học phí chị lại vừa vui vừa lo lắng. Theo chị Ngọc, các trường mẫu giáo cũng chật vật với số tiền học phí thấp để chi trả rất nhiều thứ. Học phí thấp nên lương trả cho các cô cũng không thể cao, đời sống khó bảo đảm. Nhiều hoạt động của trường cũng khó thực hiện. Tăng học phí sẽ là phương án khả thi để các trường thay đổi và phát triển. Các cô giáo an tâm với việc chăm sóc.

Ở góc độ nhà trường, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) nhìn nhận: Ngày 13/5, sở GD&ĐT lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 tại TPHCM. Nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới của Nghị định 81/2021. So với khung tại Nghị định 81/2021, học phí dự kiến của TPHCM ở mức sàn, tức là mức thu thấp nhất. Tuy nhiên, so với học phí của năm học trước, khoản thu mới tăng mạnh.

“Theo tôi việc tăng học phí phù hợp với xu hướng phát triển theo nền kinh tế thị trường và nhu cầu của xã hội. Việc xây dựng mức học phí mới góp phần thực hiện tốt hơn công bằng trong giáo dục, bảo đảm sự bình đẳng trong việc đóng góp của các gia đình và người học, điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách.

Tuy nhiên, những trường ngoại thành TPHCM và cụ thể như trường trên địa bàn có đông người dân nhập cư, thu nhập thực tế của phụ huynh thấp hơn nhiều so với mức trung bình kể trên. Dù chính quyền, nhà trường có nhiều biện pháp hỗ trợ, phụ huynh vẫn chật vật mỗi kỳ đóng tiền học. Do đó, cần có chính sách phù hợp đối với những đối tượng này. Đồng thời, khi tăng học phí cần chi tăng lương cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất...”, thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

“Nếu tăng học phí quá nhiều và đột ngột, phụ huynh lại gặp khó khăn. Nhiều phụ huynh vẫn vất vả kiếm tiền cho con tới trường. Bên cạnh đó, thuế thu nhập cá nhân còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Người phụ thuộc hiện nay trừ 4,4 triệu đồng, nhưng học phí của các bé nếu tăng lên, con số 4,4 triệu đồng này cũng cần thay đổi. Tiền học phí, tiền ăn, tiền quần áo, thuốc thang khi bệnh và hàng trăm khoản tiền khác mà phụ huynh đóng cũng cần được Nhà nước tính đến và xử lý hợp lý để tránh gây bức xúc cho người dân…”, chị Bích Ngọc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.