Thảo luận tại phiên họp ngày 2/6, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, Bộ trưởng GD&ĐT đã giải trình về lộ trình tăng học phí, trong đó có 3 công văn gửi các cơ sở giáo dục thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục (NĐ 81).
Tuy nhiên, trước kỳ họp, cử tri phản ánh mức học phí trong NĐ 81 cao hơn từ 3 đến 5 lần trong năm học vừa qua.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo thống nhất tạm hoãn việc tăng học phí trong năm học tới, tạo điều kiện cho các em được đến trường, đời sống của người dân cũng đỡ cơ cực hơn.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đặt vấn đề, tại sao lại tăng kinh phí, học phí đào tạo, các khoản phí khác.. Đại biểu nhấn mạnh, cần đẩy mạnh việc thu hút đầu vào, siết chặt đầu ra ở bậc đại học. Bởi theo đại biểu, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội.
Liên quan đến vấn đề học phí, tại phiên thảo luận ở hội trường (chiều 1/6) Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải trình làm rõ về nội dung này. Theo Bộ trưởng, nội dung thu học phí từ trường phổ thông cho đến đại học được quy định theo Nghị định NĐ 81. Nghị định này có hiệu lực từ tháng 10/2021, nhưng chủ yếu được áp dụng cho năm học 2022-2023.
Đối với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức học phí. Trong NĐ 81 có quy định theo vùng miền, có mức trần, mức sàn và có lộ trình. Nghị định cũng nêu các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định mức học phí cho phù hợp. Trong đó, có địa phương đã miễn hoàn toàn mức học phí; một số nơi cũng cân nhắc các mức theo quy định.
Đối với các trường đại học thì tùy theo mức độ tự chủ (theo NĐ 81). Nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên, một phần chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần theo quy định của Nghị định này. Đối với trường đạt chuẩn kiểm định quốc gia, quốc tế, được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật do nhà trường tính toán. Đây là quyền tự chủ của trường đại học.
Tuy nhiên, căn cứ theo tình hình, ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội, như năm 2021, Bộ GD&ĐT nhiều lần trao đổi và có công văn gửi các Bộ, ngành địa phương đề nghị giữ ổn định mức học phí.
Tháng 8/2021, Bộ tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong tình hình dịch bệnh. Gần đây nhất, ngày 24/5, Bộ có Công văn số 2153 gửi các địa phương, lãnh đạo trường đại học nhắc nhở, lưu ý về việc thực hiện khoản thu trong lĩnh vực trong lĩnh vực GD&ĐT.
Bộ lưu ý các địa phương, nhà trường căn cứ tình hình thực tế để có mức thu học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, góp phần bình ổn giá, an sinh xã hội và các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo để các em có đủ sách đến trường.