Theo Thông tư 39 do Bộ Y tế vừa ban hành, từ 15/1/2019, nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng giá. Theo đó, tiền khám bệnh tại các tuyến dao động 26.000-37.000 đồng/lượt khám, tăng khoảng 10% so với hiện nay. Giá ngày giường điều trị cũng tăng tương ứng, trong đó tiền ngày giường cho bệnh nhân hồi sức tích cực, ghép tủy, ghép tạng, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tăng lên 753.000 đồng/ngày (cao hơn gần 70.000 đồng/ngày so với hiện hành).
Chi phí giường điều trị các bệnh lý khác cũng tăng mức tương ứng, khoảng 10%/dịch vụ. Cụ thể, giá giường bệnh sẽ tăng thêm từ 20.000-40.000 đồng/ngày/giường. Mức phí trên được áp dụng thống nhất với bệnh nhân trả viện phí trực tiếp và bệnh nhân BHYT.
Việc tăng giá nhiều dịch vụ y tế khiến người bệnh vô cùng lo lắng. |
Ông Phạm Văn Hùng (35 tuổi, ở Ninh Bình) điều trị ung thư gan ở Bệnh viện Bạch Mai đã 5 tháng nay. Tiền viện phí phải trả đã lên hơn 500 triệu đồng. Mặc dù được hưởng bảo hiểm y tế đến 80%, nhưng chặng đường chiến đấu với căn bệnh nan y này vẫn còn rất dài. Biết thông tin nhiều giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng, anh Hùng không khỏi lo lắng.
“Thuốc hóa chất khô, Bộ Y tế cũng hỗ trợ nửa tháng, người bệnh cũng bỏ ra 35 triệu mới đủ thuốc uống cho 2 tháng. Tôi cũng chỉ cố gắng được đến đâu hay đến đó, không thì cũng đành phải chấp nhận, buông tay.”- anh Hùng nói.
Đồng cảnh bệnh tật như anh Hùng, ông Nguyễn Văn Toàn (62 tuổi, ở Hưng Yên) may mắn hơn khi được bảo hiểm y tế chi trả tới 95%. Tuy nhiên, với số tiền lương hưu 3 triệu đồng/tháng mà cứ cách 2 tuần, ông Toàn lại phải nằm viện điều trị thì việc tăng giá một số dịch vụ y tế cũng là cả một gánh nặng.
“Một số dịch vụ tăng 10% so với trước thì cũng không phải đơn giản. Mình điều trị nhiều lần, cộng vào cũng rất nhiều. Dù được bảo hiểm y tế chi trả nhiều nhưng mỗi một đợt điều trị, tôi cũng phải mất thêm tiền triệu, vì bác sĩ cũng phải kê đơn thuốc, mua thêm thuốc ngoài danh mục BHYT chi trả”- ông Hùng chia sẻ.
Bác sĩ Vi Hồng Kỳ- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, việc tăng giá dịch vụ y tế là một trong những nhu cầu tất yếu của xã hội, vì giá cả thị trường cũng ngày một thay đổi. “Việc nâng cao chất lượng phục vụ bệnh viện là hết sức cần thiết, trong khi các bệnh viện đang tiến hành tự chủ. Để các bệnh viện hướng đến tự chủ thì chất lượng dịch vụ cần phải có nguồn lực, nguồn lực về con người và nguồn lực về kinh tế. Bởi khi tự chủ mà không có nguồn lực thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng điều trị. Vì vậy, việc tăng giá viện phí là cần thiết”- bác sĩ Vi Hồng Kỳ cho biết.
TS Trần Tuấn- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, việc tăng giá dịch vụ y tế lần này của Bộ Y tế được thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét, nghiên cứu cơ chế tính giá khách quan, hoàn toàn độc lập. Theo TS Trần Tuấn, hiện nay, gói chăm sóc sức khỏe cơ bản vẫn chưa được tiến hành một cách chuẩn mực, khoa học.
“Khi người dân có bảo hiểm y tế chi trả, ngoài các chi phí trong danh mục bảo hiểm y tế, còn rất nhiều chi phí khác của bên chăm sóc y tế cũng như các dịch vụ đi theo cũng sẽ tăng, chưa kể giá dịch vụ y tế của Bảo hiểm y tế nhà nước tăng lên thì giá dịch y tế bên ngoài cũng tăng. Bởi hiện nay, dân đi khám ngoài rất nhiều, tỷ lệ khám ngoài rất cao”- TS Trần Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, TS Trần Tuấn cũng cho rằng, không phải cứ tăng giá dịch vụ y tế là chất lượng dịch vụ tăng bởi có rất nhiều yếu tố phải can thiệp. Theo TS Trần Tuấn, chất lượng y tế có hai phần: chất lượng cảm tính (cơ sở vật chất bên ngoài, bệnh nhân có thể đánh giá được) và chất lượng chuyên môn. Hiện nay, chất lượng bệnh viện mới chỉ được cải thiện ở phần hạ tầng cơ sở, trang thiết bị và một số phần liên quan đến việc đào tạo cán bộ sử dụng các tiến bộ kỹ thuật.
TS Trần Tuấn cho rằng, để chất lượng y tế tốt cần phải có một chế độ đào tạo, giám sát, đánh giá không chỉ của các hệ thống các bệnh viện mà đồng thời còn cả đánmh giá khách quan về chất lượng phục vụ, sự hài lòng của người bệnh.