Hạt dẻ - Thức quà mùa đông đem lại nhiều lợi ích sức khỏe
Vào mùa đông, chúng ta thường có thói quen ăn hạt dẻ nướng. Đây là món ăn vặt khoái khẩu mà bất cứ ai cũng cực thích, nhất là mỗi khi trời trở lạnh.
Khi những cơn gió đông lạnh lẽo thổi qua mà được ngồi ở góc vỉa hè, miệng vừa thổi vừa bóc hạt dẻ nướng để ăn thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn.
Vào mùa đông, chúng ta thường có thói quen ăn hạt dẻ nướng.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Có công năng bổ thận ích tinh, làm mạnh gân cốt, tăng cường chức năng tiêu hóa, nuôi dưỡng dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ, vị hư hàn hay lưng gối do thận hư…
Đây là một vị thuốc quý trong Đông y, là thực phẩm vàng nếu được sử dụng đúng cách.
Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ loại thức ăn nào, không phải cứ dùng nhiều là tốt. Hạt dẻ cũng vậy. Mới đây, truyền thông Trung Quốc vô cùng xôn xao với thông tin một cô gái bị chảy máu dạ dày vì ăn hạt dẻ.
Theo đó, Tiểu Lưu (Vũ Hán, TQ) đã bị xuất huyết dạ dày chỉ vì ăn hạt dẻ với số lượng nhiều cùng lúc. Mỗi ngày Tiểu Lưu đều phải mua 1-2kg hạt dẻ, để vừa ăn vừa xem phim. Tuy nhiên, một ngày vào buổi tối sau khi ăn hạt dẻ xong, Tiểu Lưu bắt đầu cảm thấy cơ thể không thoải mái.
Hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh tỳ, vị và thận.
Tiểu Lưu nói: "Sau khi ăn xong tôi bắt đầu bị ợ chua, vùng bụng trên đau không chịu nổi, sau đó bị nôn, tiêu chảy, đặc biệt khi nôn có lẫn máu tươi". Lúc này, Tiểu Lưu vội vàng đến bệnh viện thành phố Vũ Hán, sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện cô bị xuất huyết dạ dày, thủ phạm thực sự là thực phẩm ăn vặt - hạt dẻ.
Vậy ăn hạt dẻ như thế nào mới đúng cách? Chúng ta hãy cùng lắng nghe chia sẻ của chuyên gia về vấn đề này.
Những lưu ý quan trọng không thể bỏ qua khi ăn hạt dẻ để đem lại lợi ích sức khỏe tốt nhất
Theo lương y Bùi Hồng Minh, mặc dù hạt dẻ rất thơm ngon nhưng không phải ai cũng sử dụng tùy tiện được. Nếu sử dụng quá nhiều hạt dẻ một lúc có thể gây ra hiện tượng nhiệt, nóng trong người.
Mặc dù hạt dẻ rất thơm ngon nhưng không phải ai cũng sử dụng tùy tiện được.
"Hạt dẻ chứa thành phần với tinh bột là chủ yếu, dường như không có chất xơ nên ăn nhiều dễ bị táo bón. Đối với người mắc chứng tiêu hóa kém cần hết sức lưu ý, phải ăn hạn chế vì nếu không sẽ làm tổn thương tì vị", lương y Bùi Hồng Minh nói.
Hạt dẻ nhiều tinh bột nên chỉ ăn trong bữa phụ lúc 9h sáng hoặc 15h chiều. Ăn hạt dẻ ngay sau bữa chính sẽ cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa.
Người bị bệnh dạ dày cũng cần phải hạn chế ăn hạt dẻ. Việc ăn quá mức sẽ làm sản sinh nhiều axit dạ dày, làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, từ đó dẫn đến xuất huyết dạ dày nên trường hợp như cô gái ở Trung Quốc kia không hề hiếm gặp như nhiều người nghĩ.
Người bị cảm chưa khỏi, bệnh nhân mắc chứng sốt rét, kiết lị, phụ nữ sau sinh cũng không nên ăn nhiều hạt dẻ, chỉ nên ăn không quá 10 hạt dẻ to để tránh bị táo bón.
Người bị bệnh dạ dày cần phải hạn chế ăn hạt dẻ.
Ngoài ra, hạt dẻ là thực phẩm dễ có nguy cơ bị mốc hỏng vì ở dạng hạt, việc sấy khô không đảm bảo theo thời gian. Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), hạt dẻ cũng như nhiều loại ngũ cốc khác có nguy cơ mốc hỏng cực cao.
Theo đó, hạt dẻ nằm trong nhóm quả khô, khi bị mốc có thể gây nhiễm độc tố Afflatoxin, gây ung thư gan. Quả khô, ngũ cốc, nho thối, rượu vang, cà phê, một vài loại thịt động vật bị nhiễm độc tố Ochratoxin gây ung thư thận, gan.
Việc không tinh ý nhận ra có thể khiến bạn nạp hạt dẻ bị nấm mốc vào cơ thể. Do đó việc nhận biết hạt dẻ còn sử dụng được hay không rất quan trọng.
Do đó chuyên gia nhấn mạnh, trước khi mua hay ăn hạt dẻ cần lựa chọn kỹ càng. Khi bóc hạt dẻ nếu thấy màu sắc bên trong thay đổi thì cần phải bỏ ngay. Khi ăn hạt dẻ nếu không thấy vị béo bùi cũng cần bỏ ngay. Nếu mua hạt dẻ về mà chưa sử dụng hết thì bỏ vào hộp hoặc khay, cho vào ngăn đá nếu muốn để trên 10 ngày.