Tảng đá mang tên kỳ vọng: “Gồng mình bước qua sợ hãi”

GD&TĐ - Cha mẹ nào cũng kỳ vọng vào con cái. Tuy nhiên, kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, thậm chí tự tử khi không đạt kết quả học tập như bố mẹ kỳ vọng, đặc biệt ở các kỳ thi quan trọng như thi vào cấp trung học phổ thông hay thi đại học, cao đẳng... Trước những câu chuyện ấy, những người làm cha, làm mẹ thấy đau lòng và hiểu cho nỗi lòng của nhau.

Để có thời gian vui chơi như chúng bạn cùng trang lứa là một ước ao của không ít những đứa trẻ như Minh (Ảnh minh họa).
Để có thời gian vui chơi như chúng bạn cùng trang lứa là một ước ao của không ít những đứa trẻ như Minh (Ảnh minh họa).

Nhiều bậc phụ huynh khi nghe chuyện thường buông ra lời trách cứ đứa trẻ dại dột, thậm chí nặng nề hơn là bất hiếu. Tuy nhiên, có mấy bậc phụ huynh đứng trên lập trường của con trẻ để phân tích, mổ xẻ vấn đề và tìm ra nguyên do của những câu chuyện đau lòng ấy từ đâu? Trước những câu chuyện tưởng chừng như xa xôi lắm ấy, có mấy ba mẹ nhìn nhận lại chính câu chuyện với con cái mình.

Cái chết của một học sinh lớp 10 Trường Nguyễn Khuyến (TPHCM) theo cách gieo mình từ tầng cao hồi năm ngoái thêm một lần khiến cả xã hội bàng hoàng và đớn đau. Đây không phải lần đầu tiên học sinh tự tử vì áp lực quá lớn về thành tích học tập, do chính cha mẹ tạo ra.

Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ chưa nhận ra điều đó mà liên tục tạo áp lực cho con trẻ bằng những điểm số tròn trịa, hay những kỳ vọng mà trong quá khứ họ chưa thể làm được nên muốn con mình phải hoàn thành. Và cuối cùng là đứa trẻ phải sống trong đau đớn, khổ sở vì chính áp lực mà bố mẹ mình tạo ra.

Dưới đây là câu chuyện của Minh – một nam sinh tại Hà Nội:

Ngay từ bé tôi đã được bố mẹ nhồi vào đầu tư tưởng như một chân lý của cuộc đời. Đó là luôn luôn phải xuất sắc hơn con người khác. Nhiều khi tôi cũng không hiểu “con người khác” ở đây là những ai?

Góc học tập của Minh – nơi em thường cặm cụi nỗ lực để phụ huynh yên tâm

Tôi đã có những năm tháng học tiểu học cùng với roi vọt. Mẹ tôi là người phụ nữ rất cầu toàn. Mọi thứ trong nhà luôn được bà sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng từ trong ra ngoài. Với việc học hành của tôi cũng vậy. Bà không bao giờ chấp nhận tôi được điểm nào đó trừ điểm 10.

Suốt những năm tháng tiểu học, mỗi lần tôi được điểm 9 hay 9,5 là y rằng hôm ấy tôi chuẩn bị tinh thần ăn đòn. Hay mỗi lần bị cô giáo báo việc tôi nói chuyện riêng với bạn, quên đồ dùng học tập thì số phận cũng thế cả.

Mẹ tôi lấy chiếc móc phơi quần áo uốn lại thành hình cái roi. Mỗi lần tôi phạm lỗi như bị điểm nào khác điểm 10, nói chuyện trong giờ học, mỗi lỗi mà tôi mắc phải sẽ bị ăn 2 cái roi bằng chiếc móc phơi quần áo thần thánh ấy. Đánh nhiều rồi tôi cũng quen, thành ra trơ cảm xúc mỗi khi bị đánh. Thậm chí, khi biết mình phạm lỗi tôi còn chủ động cởi quần nằm sẵn để mẹ lấy roi quất vào mông mà không cần mẹ phải nhắc.

Đỉnh điểm là hồi lớp 4, tôi bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi của trường để dự thi cấp quận. Hôm ấy, mẹ đón tôi ở trường về và tuyệt nhiên không nói một lời nào. Như thường lệ, tôi biết mình lại phạm lỗi nên về nhà tôi tự động nằm sẵn lên giường chờ bị ăn roi.

Thế nhưng, lần này mẹ tôi như phát điên, hai mắt bà trợn ngược, long sòng sọc nhìn tôi và gào lên: “Thằng mất dậy kia, mày biến ngay khỏi cuộc đời tao. Tao đúng là vô phúc mới đẻ ra thằng ăn hại như mày. Có việc ăn và học mà cũng không nên hồn thì lớn lên làm được trò trống gì cho đời? Rồi lại đi ra gầm cầu mà nhặt rác hay lê la với mấy thằng nghiện thôi”.

Vừa nói bà vừa lấy tay cào xé tôi, bà lột hết áo của tôi ra, bắt tôi trần truồng và liên tay dùng roi quất vào tôi mặc cho tôi khóc lóc xin lỗi và xin được tha. Chưa dừng lại ở đó, bà còn để tôi trần truồng và đuổi tôi ra ngoài cho mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại.

Bác hàng xóm thương tình đưa tôi vào nhà và lấy bộ quần áo của con trai bác ấy cho tôi mặc tạm. Lúc đó, nước mắt tôi không ngừng rơi. Sợ quá, ú ớ, không cử động được, co ro, run rẩy trong góc nhà bác ấy như một con chó con lạc đường về nhà.

Cha mẹ không nên quá quan tâm đến điểm số của kỳ thi mà can thiệp vào việc lựa chọn của con, hãy để con tự quyết định thi môn gì, học trường nào... Nếu trẻ thất bại thì có thể khuyên nhủ cho đến khi con hiểu ra và tiếp tục học để đạt mục tiêu, ước mơ của mình. Áp lực tốt nhất dành cho con là bản thân tự đặt áp lực cho chính mình để quyết tâm vươn lên và đạt mục đích.

Sau lần ấy, tôi lúc nào cũng sống trong sợ hãi: Sợ bị điểm nào đó dưới 10, sợ bị cô giáo mách mẹ vì nói chuyện trong lớp, sợ quên đồ dùng học tập, sợ điểm thi đứng thứ 2 trong lớp. Tôi gồng mình để bước qua sợ hãi, để làm mẹ hài lòng, để bản thân không bị ăn đòn nữa.

Nhưng đến khi tôi luôn luôn dẫn đầu lớp về điểm số thì mẹ lại đặt cho tôi kỳ vọng cao hơn, đó là tôi phải dẫn đầu khối chứ không còn trong phạm vi lớp học nữa. Một kỳ vọng thực sự khiến tôi áp lực. Và bây giờ thì tôi hiểu được việc mẹ luôn muốn tôi phải xuất sắc hơn con nhà người khác và con nhà người khác trong mắt mẹ là tất cả mọi người.

Tôi tự đặt ra cho mình câu hỏi, mình cứ gồng mình, cứ cố gắng mãi vì điều gì. Vì kỳ vọng của mẹ nhưng quan trọng là sau mỗi kỳ thi tôi được xướng tên với danh hiệu xuất sắc, dẫn đầu ấy điều khiến tôi vui nhất là đã hoàn thành kỳ vọng của mẹ chứ không phải vì bản thân tôi yêu thích.

Hồi bé tôi rất thích vẽ và luôn mơ ước trở thành một họa sĩ. Tôi vẽ mọi lúc, mọi nơi. Thế nhưng mẹ nói con đường nghệ sĩ sẽ rất vất vả và không có tương lai nên mẹ muốn tôi làm một bác sĩ thật giỏi. Và để làm được một bác sĩ thật giỏi như ý mẹ, tôi phải chôn vùi giấc mơ vẽ.

Mẹ đã đốt hết bút vẽ và giấy vẽ mà tôi được bạn bè của bố tặng, mỗi lần bắt gặp tôi vẽ trộm mẹ lại nhảy bổ vào vò nát những bức vẽ. Cứ thế, tôi sống theo ý mẹ, theo những gì mẹ vẽ sẵn, tôi chỉ việc ăn và học còn mục tiêu mẹ đã lập trình sẵn sàng rồi.

Năm lớp 6, cũng theo ý mẹ, tôi đăng ký thi vào THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, với lực học xuất sắc luôn đứng đầu khối thì từ thầy cô đến bố mẹ họ đều tin là tôi có thể đỗ vào ngôi trường danh giá nhất Thủ đô và tôi cũng khá tự tin về việc đó.

Tôi vẫn nhớ như in chiều hôm đó trường công bố điểm thi, mẹ hí hửng cùng tôi đến trường xem thông báo dán ở gần cổng trường. Lúc nhìn thấy điểm thi của mình và biết mình trượt, cây xúc xích tôi đang cắn dở trên tay rơi lúc nào không biết. Tôi thực sự trượt Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam trong khi có nhiều đứa học cùng lớp lực học không bằng tôi lại đỗ.

Khỏi kể thì mọi người cũng biết mẹ tôi nổi trận lôi đình thế nào. Mẹ mang hết quần áo, sách vở của tôi đốt ngay ngoài cửa và đánh tôi một trận tơi bời khói lửa. Tôi đã phải quỳ góc nhà suốt một ngày theo ý mẹ đến lúc người tôi cứng đơ, gục xuống sàn nhà thì bố mới bế tôi lên giường nhưng bị mẹ tôi ngăn cản.

Lần đầu tiên tôi thấy bố mẹ to tiếng vì tôi. Mẹ liên tục nói “thằng đó là thằng bỏ đi, đuổi nó ra khỏi nhà, cho nó đi nhặt rác mà sống, tôi không nuôi nổi thằng vô tích sự như nó được nữa. Hãy cút ra khỏi nhà cho khuất mắt tao”.

Tôi quỳ xuống xin mẹ cho ở lại nhưng mẹ một mực lôi tôi ra ngoài cửa và đóng cửa cái “rầm”. Bóng tối bủa vây, đói, tủi hổ, tôi run rẩy, sợ hãi trước tất cả mọi thứ xung quanh. Tôi bước từng bước nặng nề ra đầu ngõ, gục xuống khóc như chưa bao giờ được khóc. Nghĩ thế nào tôi lại quay lại và nghe thấy cuộc tranh luận của bố mẹ về tôi.

Mẹ thì một mực cho rằng tôi không thể có tương lai được nên cho tôi dừng việc học. Tôi quên chưa nói, mẹ tôi là phụ nữ nhưng theo trường phái rất mạnh mẽ kiểu Hitle. Còn bố thì khuyên mẹ hãy cho tôi cơ hội sửa sai. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy biết ơn bố và thấy mình còn có chút hy vọng như vậy.

Rồi cuối cùng nhờ bạn bè, bố đã tìm cho tôi đến học tại một trường tư với mức học phí khá cao do bố hoàn toàn chi trả và không liên quan đến mẹ. Những ngày đầu đến lớp với tôi thực sự là chỉ đến cho có thôi vì thời điểm đó tôi không thấy bất kỳ một thú vui nào của cuộc sống.

Tôi sống lầm lì, thu gọn mình trong một góc, hạn chế giao tiếp. Khi tôi theo học trường tư được hai tháng thì mẹ lại tiếp tục đặt cho tôi những kỳ vọng mà với tôi đó là một sự ám ảnh. Mẹ vẫn không ngừng nhắc đến việc tôi phải thi đỗ vào trường y để làm bác sĩ giỏi và từ bỏ giấc mơ học vẽ.

Tôi chán nản, hết niềm tin vào cuộc sống. Nhiều khi tôi tự hỏi không biết mình có phải con của mẹ không? Vì tôi thấy những người mẹ khác rất dịu dàng và yêu thương con của mình chứ không giống như mẹ tôi. Ngày xưa tôi hay thấy mẹ nói mẹ nhặt được tôi ở đường, chẳng lẽ là thật?

Tôi bắt đầu phản kháng, phản kháng dữ dội, tôi bỏ học, thường xuyên không làm bài tập, điểm kiểm tra lúc nào cũng hạng bét và lúc này thì tôi quá tệ hại trong mắt mẹ.

Tôi quyết định tìm đến cái chết như một sự giải thoát và phương pháp tôi dùng là thuốc ngủ. Hôm đó, đi học về, tôi viết cho bố mẹ một lá thư xin lỗi vì không thể hoàn thành được kỳ vọng của mẹ và tôi muốn buông bỏ, muốn cho mình một lối thoát. Sau đó tôi uống thuốc và lịm đi.

Khi có chút ý thức thì tôi thấy mình đang trong bệnh viện, nghe đâu hôm ấy đang đi làm nhưng nóng ruột nên mẹ về sớm và phát hiện ra tôi mê man nên vội vã gọi người hỗ trợ đưa tôi đi cấp cứu. May mắn, tôi được các bác sĩ rửa ruột và cứu sống.

Lúc tỉnh dậy tôi thấy nước mát mẹ giàn giụa, mẹ ôm chặt lấy tôi và nói “mẹ xin lỗi con, mẹ xin lỗi. Vì mẹ không muốn con sau này có một cuộc sống vất vả giống mẹ nên mẹ mới nghiêm khắc với con đến thế, mới mong muốn con trở thành một bác sĩ nổi tiếng.

Mẹ đã quá ích kỷ mà quên rằng con cần được sống vui, sống hạnh phúc với mơ ước và ý thích của chính mình thay vì phải sống theo ước mơ của mẹ, kỳ vọng của mẹ. Thời gian qua mẹ biết là con đã cố gắng rất nhiều, mẹ xin lỗi”.

Đến lúc này thì tôi mới hiểu ra rằng vì quá lo lắng cho tương lai của tôi nên mẹ trở nên nghiêm khắc tới mức cực đoan đến thế chứ không phải vì mẹ ghét tôi, không phải vì mẹ nhặt được tôi ở đường.

Tôi ôm chặt lấy mẹ, cảm giác của tôi là thấy nhẹ nhõm, được yêu thương. Tôi thấy mình mạnh mẽ lên và trưởng thành rất nhiều. Bây giờ, mẹ có đánh tôi thì tôi cũng không giận mẹ nữa.

Kể từ đó, mẹ để tôi được làm những gì tôi thích, tôi tham gia câu lạc bộ vẽ ở trường và sau đó đã thi đỗ vào khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức theo đuổi giấc mơ được vẽ của tôi. Và chắc chắn tôi sẽ cố gắng hơn nữa để mẹ được yên tâm với sự lựa chọn của mình”.

Trong mắt trẻ, việc tương lai trở thành người giàu có, thành đạt, giỏi giang, nổi tiếng chẳng có ý nghĩa gì. Điều chúng muốn trong suốt thời thơ ấu là được vui vẻ, thoải mái, nô đùa… Nhưng bố mẹ thì không hiểu điều đó. Thậm chí ngay từ khi con vào lớp 1, nhiều người đã áp dụng một chế độ học khủng khiếp để con “không mất gốc từ đầu”. Áp lực chất chồng áp lực, đứa trẻ dần đánh mất mình lúc nào chẳng hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ