Dám nghĩ dám làm
Sinh ra và lớn lên tại xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên trong một gia đình có truyền thống trồng và chế biến chè. Tuy nhiên, anh Tống Văn Viện lại theo học chuyên ngành thống kê, sau khi tốt nghiệp ra trường anh đã có thời gian 4 năm làm tại một công ty liên doanh với nước ngoài.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Viện quyết định bỏ phố trở về quê hương dựa vào những điều kiện thực tế của địa phương, nỗ lực đưa khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để vươn tới thành công.
Tháng 7 năm 2020, anh Viện thành lập HTX Nông sản Phú Lương và liên kết nhiều hộ dân xung quanh trồng, chế biến chè theo hướng hữu cơ, tập trung vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập HTX, anh Viện bộc bạch: Trước đây, bà con chủ yếu trồng chè theo cách truyền thống. Thời điểm đó, do chưa xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm chè của bà con làm ra tiêu thụ rất kém, giá thành lại thấp. Mặc dù là địa phương có thế mạnh về trồng chè thế nhưng người nông dân dù quanh năm vất vả nhưng thu nhập từ cây chè cũng chẳng đáng là bao.
Gia đình anh đã mạnh dạn trồng 6 ha chè hữu cơ trên đất đồi theo tiêu chuẩn chè sạch nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, từng bước góp phần xây dựng chỗ đứng riêng cho sản phẩm chè của địa phương. Sau nhiều năm chăm sóc và mở rộng, hiện nay gia đình anh Viện đã liên kết với bà con nông dân tại địa phương trồng chè trên diện tích 50 ha.
Anh Viện cho biết: Không chỉ trồng và bán chè tươi như những hộ dân khác, sẵn có kinh nghiệm, gia đình tôi đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng với quy mô 800m2, 9 máy sao sấy chè, 25 máy vò chè, 15 giá hong chè, hệ thống tưới tiết kiệm cho 5ha chè.
Bằng hình thức tự sản xuất, tự chế biến, đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn. Cùng với việc xây dựng cơ sở sản xuất, anh Viện còn đi tham khảo quy trình sản xuất của các nhà máy và nhiều nơi khác, đồng thời đưa sản phẩm chè ra các thị trường khác chào hàng. Dần dần chất lượng chè búp khô do gia đình anh sản xuất được khẳng định, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Anh Viện chia sẻ: Nhờ có hệ thống máy móc đồng bộ, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Hợp tác xã ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi xuất bán được 1 tấn chè búp khô, giá bán đạt từ 300-500 nghìn đồng/kg (tăng gấp đôi so với trước).
Cũng theo anh Viện mô hình sản xuất mà HTX hướng đến là phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tự ủ phân, rơm rạ tạo ra phân hữu cơ, cung cấp phân bón, chế phẩm sinh học cho những hộ dân cùng liên kết để trồng chè.
Việc trồng chè theo tiêu chuẩn hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng, sản phẩm chè có hương vị đặc trưng mà còn giúp các hộ canh tác có môi trường sống tốt và an toàn hơn.
Hiện nay, anh Viện đang thu mua búp chè tươi của các hộ dân với giá từ 25.000 – 35.000 đồng/ kg. Ngoài ra cơ sở sản xuất của gia đình anh hàng năm còn thuê từ khoảng 10 lao động chính để hái chè, sao chè, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
Giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Ông Phan Văn Hà (SN: 1965) ở xóm Xuân Trường, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương là một trong những lao động chính, làm việc thường xuyên tại HTX nông sản Phú Lương, gắn bó với HTX đã nhiều năm, ông Hà cho biết: Công việc hàng ngày của tôi là hái chè, búp chè là nguồn nguyên liệu khởi đầu cho quá trình chế biến làm thành công sản phẩm chè ngon. Chính vì vậy yêu cầu của kỹ thuật đối với người làm chè là hái chè phải đảm bảo 1 tôm, 2-3 lá non, hái chè vừa phải tạo tán để điều tiết sinh trưởng của cây chè, đồng thời đảm bảo được năng suất, chất lượng búp cho lứa tiếp theo.
Công việc này tôi đã làm quen nên cũng không thấy có gì nặng nhọc, bên cạnh đó nhờ việc làm ổn định tại đây, mỗi tháng cũng giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, đủ để trang trải cuộc sống.
Ông Phan Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương, huyện Phú Lương khẳng định: Những năm gần đây, trên địa bàn xã hình ảnh máy móc thay người nông dân trong tưới tiêu, chế biến và đóng gói sản phẩm chè đã trở nên quen thuộc. Từ sự khuyến khích, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, nhiều nông dân làm chè đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Đối với HTX Nông sản Phú Lương, hiện nay HTX không chỉ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và nâng tầm sản phẩm của địa phương mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, từ đó góp phần xoá đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nói về định hướng trong thời gian tới, anh Viện cho hay, ngoài việc tiếp tục phát triển thương hiệu chè hữu cơ, hiện nay gia đình tôi đang trồng thí điểm một số nông sản khác như măng lục trúc, các loại hoa nhài, sen, bạch thiên hương, mộc trà, bạch lan dùng để ướp trà. Mục tiêu của HTX đó là xây dựng thành công mô hình chè theo tiêu chuẩn của địa phương, đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ 20ha, tham gia phân hạng sản phẩm chè ocop 5 sao, đồng thời tiếp tục hướng dẫn bà con cách làm hay, hiệu quả để làm sao các sản phẩm làm ra ngày càng được đông đảo khách hàng đón nhận, qua đó góp phần nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho gia đình và bà con tại địa phương.