Sống trên đá, thoát nghèo trên đá
Vùng Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang gồm 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với tổng diện tích 2.356km2. Khu vực này nằm ở độ cao trung bình từ 1.100-1.600m so với mực nước biển, là nơi cư trú của 17 dân tộc thiểu số, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số.
Với địa hình chủ yếu là đá (trên 75% diện tích đất tự nhiên là đá) bị chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt nên vùng cao nguyên đá nổi tiếng là vùng “đất khát” của Hà Giang.
Nước hiến, đất cũng hiếm, đồng bào dân tộc Mông phải gùi đất cho vào các hốc đá để trồng ngô và một số loại rau màu phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Sinh sống, lao động sản xuất trong điều kiện bất lợi, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thường xuyên chịu rủi ro bởi biến đổi khí hậu, thiên tai và thiếu đất sản xuất nhưng đồng bào Mông nơi đây không khoanh tay ngồi yên mà chủ động biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng để tạo thêm sinh kế, tìm cách thoát nghèo bền vững.
Anh Sùng Mí Chơ, dân tộc Mông, thôn Pó Pi A, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) là một trong những gương điển hình về mô hình thoát nghèo từ nuôi trâu, bò sinh sản tại địa phương.
Sùng Mí Chơ cho biết: Bản thân lập gia đình sớm và có 2 người con. Trong một lần đang lao động anh không may mất một cánh tay và hỏng một mắt. Là trụ cột chính của gia đình nên điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của bản thân cũng như cả gia đình.
Tuy không thể đi làm thuê lao động công việc khác nhưng với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, anh Chơ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, tập trung chăn nuôi trâu, bò sinh sản.
Chỉ từ 2 con trâu, 3 con bò sinh sản ban đầu, gia đình anh chú trọng hình thức nhân đàn, luôn giữ lại trâu cái, bò cái để sinh sản. Hiện tại gia đình anh Chơ có 9 con trâu, 11 con bò.
Mỗi năm gia đình anh Chơ bán 2-3 con bê, với giá từ 15 đến 20 triệu đồng/con. Một nửa anh dùng để trang trải cuộc sống của gia đình, số tiền còn lại anh tiếp tục đầu tư làm ăn. Ngoài chăn nuôi trâu, bò sinh sản, gia đình anh còn nuôi thêm dê, gà, vịt…Gia đình anh Chơ không chỉ thoát nghèo mà vươn lên làm hộ chăn nuôi khá, giỏi nhất thôn.
Tại huyện Đồng Văn, mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Vàng Mí Sính, thôn Há Súng, xã Tà Lủng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, gia đình Sính chỉ nuôi từ 1 – 2 con bò, số lượng nhỏ lẻ manh mún. Nhận thấy việc nuôi nhỏ lẻ khó mang lại thu nhập cao, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua thêm 5 con bò để nuôi vỗ béo kết hợp sinh sản.
Nhờ am hiểu về kiến thức, do vậy đàn bò nhà anh Sính đã phát triển rất tốt, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh cũng thu về khoảng 200 triệu đồng.
Những lá đơn xin thoát nghèo
Căn nhà khang trang, rộng rãi giữa bao la núi đá được gia đình anh Vàng Mí Hờ, dân tộc Mông, thôn Lũng Chỉn, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc xây dựng từ năm 2023 với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng.
Có được kết quả này, ngoài sự hỗ trợ 44 triệu đồng của nhà nước, gia đình anh đã dành dụm và bán thêm 4 con bò để xây nhà. Khi đã an cư, cuối năm 2023 anh Hờ đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Vàng Mí Hờ cho biết, gia đình anh được sự hỗ trợ của nhà nước, nên đã xây dựng được căn nhà kiên cố, 2 người con lớn của anh hiện đang đi học nghề tại và 1 người con đang học tại xã.
“Mặc dù gia đình không dư giả nhiều, song cái ăn, cái mặc và cái ở hiện nay đã không lo nên đã tự tay viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nhường lại những khoản hỗ trợ của nhà nước cho những gia đình thật sự khó khăn hơn”, anh Hờ chia sẻ.
Cũng như anh Vàng Mí Hờ, gia đình anh chị Vừ Mí Lầu, 31 tuổi và vợ là Mua Thị Sau, 24 tuổi, thôn Tráng Phúng A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) là một trong những gia đình trẻ, nỗ lực phát triển kinh tế và mạnh dạn xin thoát nghèo.
Mua Thị Sau cho biết: Năm 2016, 2 vợ chồng tách hộ ra ở riêng. Tài sản lúc đó chỉ là căn nhà tạm bợ, gọi là nhà nhưng chỉ là căn lều dựng lên bằng bạt để che mưa, che nắng. Thời gian, 3 đứa con lần lượt ra đời, 2 vợ chồng còn nhận nuôi thêm bác họ già, không nơi nương tựa, cuộc sống gia đình càng thêm vất vả.
Không cam chịu cái nghèo, 2 vợ chồng nhận vải về may váy, áo trang phục địa phương và nuôi thêm bò, lợn. Đến khoảng giữa năm 2020, kinh tế gia đình ổn định và nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình Lầu vay vốn để làm nhà.
Đến nay, gia đình anh chị vẫn còn nợ tiền xây nhà chưa trả xong nhưng đã có thu nhập hàng tháng ổn định, con cái đến trường thì được hưởng chế độ chính sách của nhà nước. Vì vậy, tháng 6/2023, gia đình Lầu đã quyết tâm xin thoát nghèo để nhường cho hộ khác khó khăn cần hỗ trợ hơn.
Những năm gần đây, chuyện về những gia đình đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo không còn là mới. Tuy nhiên đối với đồng bào Mông trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, sinh sống nơi địa bàn vô cùng khó khăn thì việc tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo thực sự đáng trân trọng.
Công tác xóa đói, giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó điểm mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm, tự thân muốn thoát nghèo. Các hộ xin thoát nghèo không hẳn đã thật sự hết khó khăn, mà vì họ đã nhận thức được trách nhiệm vì cộng đồng để nhường những hỗ trợ, chính sách ưu đãi tới những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Những lá đơn xin thoát nghèo của đồng bào người Mông trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn góp phần lan tỏa mạnh mẽ, tạo thông điệp tích cực để các hộ nghèo từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nỗ lực vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.