Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT về kiểm tra, khảo sát tình hình an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường, hội thảo này được tổ chức sau khi đã kiểm tra một số nhà trường tại địa bàn các tỉnh. Hội thảo nhằm quán triệt các chỉ đạo, giải pháp của Bộ GD&ĐT tại Chỉ thị 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên…
Tham dự hội thảo có ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cùng đại diện lãnh đạo các sở GD&ĐT các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và các phòng ban và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của Sở GD&ĐT Quảng Trị.
Hội thảo đã nghe báo cáo tình hình triển khai, ưu điểm, hạn chế và kế hoạch công tác bảo đảm an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường năm học 2019 - 2020. Đồng thời, các đại biểu nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp từ thực tiễn của cơ sở trong công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường và khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Tại hội thảo, TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị thẳng thắn nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan từ các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội nhằm hạn chế tối đa những sự việc đau lòng xảy ra.
Đối với tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để giáo dục toàn diện học sinh bằng các phương án tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT, ANTT, phòng tránh tai nạn thương tích các bậc học của toàn tỉnh.
Bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giáo viên chủ nhiệm cốt cán để tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời phối hợp với các địa phương, công an, quân sự… để tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về nội dung nguyên nhân, giải pháp và kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường…
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) đề nghị các đơn vị cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh trong việc “Nói không với hành vi bạo lực”, đồng thời phối hợp với công an địa phương tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về nội dung liên quan đến bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục cần tổ chức hoạt động ngoại khoá, sân chơi bổ ích, hấp dẫn, xây dựng các câu lạc bộ, tổ tư vấn tâm lý… giúp học sinh tự tin và có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn trong học tập, cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho học sinh trong giai đoạn hiện nay…