Tăng cường tư vấn, định hướng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi có kết quả kiểm tra giữa học kỳ I, ở các trường THPT xuất hiện một số HS lớp 10 xin chuyển môn/tổ hợp môn/tổ hợp môn.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Lý do các em nêu ra là chỉ khi thực học mới biết mình chọn nhầm môn/tổ hợp môn so với năng lực, sở thích, nên không theo kịp.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT không có điều khoản nào cấm học sinh chuyển tổ hợp môn, nên học sinh có quyền được chuyển. Để bảo đảm quyền lợi, nguyện vọng của học sinh, từ tháng 4/2022 Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai chương trình giáo dục trung học năm học 2022 - 2023, trong đó hướng dẫn rõ:

“Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD&ĐT”. Như vậy việc thay đổi môn học của học sinh sẽ do nhà trường quyết định. Tùy theo kế hoạch, điều kiện, các trường sẽ hỗ trợ học sinh với hướng dẫn riêng. Với hệ GDTX, giữa tháng 11/2022, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Công văn số 6027/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập trong chương trình GDTX cấp THPT.

Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn nhưng trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi môn học lựa chọn của học sinh, nhiều trường còn lúng túng. Một trong những khó khăn khi cho phép học sinh chuyển đổi môn/tổ hợp môn là tổ chức bù đắp kiến thức các môn học mới sau chuyển đổi. Nếu học sinh xin chuyển tổ hợp môn sớm, từ đầu năm học, hay cuối học kỳ I của năm lớp 10 thì việc tổ chức bù đắp kiến thức còn thuận lợi.

Nhưng nếu chuyển muộn, việc tổ chức học bù kiến thức càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, không ít trường vẫn còn băn khoăn không biết bồi dưỡng kiến thức cho học sinh theo hình thức nào? Ai sẽ phụ trách dạy môn mới cho các em chuyển tổ hợp? Với các giáo viên dạy kèm học sinh chuyển đổi thì có chế độ, chính sách như thế nào?…

Tình hình học sinh chuyển đổi nguyện vọng ở các trường không nhiều. Nếu có chuyển đổi, thường học sinh sẽ khuyết 1 - 2 môn, thậm chí cả 3 môn trong trường hợp các em chuyển hẳn từ khối tự nhiên qua xã hội hoặc ngược lại. Thời gian qua, các trường bên cạnh việc tư vấn, định hướng lại, còn nỗ lực tạo điều kiện cho các em tự học; hỗ trợ và tổ chức kiểm tra lại để trò có cột điểm môn học ở học kỳ I. Tuy các trường đều chung quan điểm không ngại khó, nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được học tập phù hợp năng lực, thế nhưng cũng phải thấy thực tế là khi chuyển đổi môn học, học sinh bị thiệt thòi về kiến thức.

Sự chủ động vượt khó của nhà trường trong tạo điều kiện cho một số ít học sinh chuyển đổi môn/tổ hợp môn, tổ chức bù đắp kiến thức trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên cách làm này chỉ là giải pháp tạm thời, tạo điều kiện cho trò chọn nhầm và sẽ càng khó khăn hơn nếu số học sinh xin chuyển nhiều. Vì thế, để các em bớt nhầm lẫn, thiệt thòi, để giáo dục trung học bảo đảm mục tiêu định hướng nghề nghiệp, việc tăng cường vai trò tư vấn, định hướng của trường THCS trong lựa chọn tổ hợp khi lên lớp 10 rất quan trọng. Song song đó, các trường đại học, cao đẳng cũng cần sớm định hướng về tuyển sinh theo chương trình mới để giúp trường THPT có kế hoạch giảng dạy và tư vấn lựa chọn môn học cho học sinh đúng hướng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ