Các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã có sự nỗ lực, cố gắng rất lớn, tổ chức lấy ý kiến dưới nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo và ở nhiều cấp độ khác nhau với số lượng người tham gia lấy ý kiến lớn, đầy đủ thành phần.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã nhận được báo cáo của 53/63 Sở GD&ĐT với 812.591 ý kiến; 57 tổ chức Công đoàn GD các tỉnh, 20 trường đại học với 353.113 người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội - xã hội nghề nghiệp và xã hội, hiệp hội; 195 phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; ý kiến góp ý tại 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; khoảng 130 bài báo... Qua đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân đối với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); thể hiện tính dân chủ trong công tác xây dựng luật ở nước ta.
Các ý kiến góp ý rất đa dạng, đa chiều và không chỉ tập trung vào 11 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến nhân dân mà còn đề cập đến một số nội dung khác trong dự thảo Luật. Ở mỗi vấn đề trọng tâm luôn có các loại ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến rất tâm huyết và có chất lượng chuyên môn cao.
Về cơ bản, dự thảo Luật nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Chính phủ đồng tình với đa số ý kiến của nhân dân ủng hộ nội dung quy định của dự thảo Luật, nhất là các vấn đề liên quan đến nhà giáo, người học, về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, về tự chủ các cơ sở giáo dục, về quy hoạch mạng lưới.... Đây là những nội dung thể hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thể chế hóa chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về giáo dục và đào tạo, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.