Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS ở Quảng Ngãi

GD&TĐ - Những hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường miền núi Quảng Ngãi mang lại chuyển biến tích cực.

Giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh thông qua các tranh, ảnh. Ảnh CTV.
Giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh thông qua các tranh, ảnh. Ảnh CTV.

Nỗ lực từ cơ sở

Năm học này, huyện miền núi Ba Tơ có hơn 13.500 học sinh. Trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 83%. Nên việc dạy tiếng Việt thực hiện xuyên suốt trong năm học và cả trong kỳ nghỉ hè.

Các trường áp dụng nhiều cách làm thiết thực để như xây dựng góc địa phương, trang trí hình ảnh, tạo môi trường để các em học tiếng Việt. Ngoài ra, các trường phát huy khả năng tương tác giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với nhau.

Cùng với đó, xây dựng thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện lớp học, tạo phong trào đọc sách. Các tài liệu cũng thường xuyên được trao đổi giữa các lớp, trong thư viện, ngoài sân trường, để tạo hứng thú, khuyến khích học sinh đọc sách, qua đó tăng cường kỹ năng nghe, nói và viết tiếng Việt.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Long Mai (huyện Minh Long) có hơn 92% học sinh là người DTTS. Vì vậy, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Ban giám hiệu trường xác định, nếu không được tăng cường tiếng Việt thì các em sẽ tiếp thu bài chậm, rụt rè trong giao tiếp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng tăng cường dạy tiếng Việt cho các em.

Sau những buổi tăng cường tiếng Việt trong dịp hè, Ban giám hiệu kiểm tra và nhận thấy các em có sự tiến bộ, mạnh dạn, tự tin hơn khi tiếp xúc với bạn bè, thầy, cô giáo. Nhà trường yêu cầu giáo viên tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Việt cho học sinh đến khi vào năm học mới và tiếp tục tăng cường xuyên suốt năm học.

Theo bà Vũ Thị Liên Hương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, Sở đã chỉ đạo các trường bố trí giáo viên có kinh nghiệm trong công tác, có chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 là người dân tộc thiểu số trước khi vào năm học mới. Trong suốt năm học, các trường sẽ chủ động tổ chức nhiều hoạt động để học sinh thành thạo tiếng Việt, làm nền tảng để học tốt các môn học khác.

Một buổi dạy tăng cường tiếng Việt vào dịp hè tại Trường Tiểu học Long Mai (Minh Long).

Một buổi dạy tăng cường tiếng Việt vào dịp hè tại Trường Tiểu học Long Mai (Minh Long).

Tiếp tục tăng cường dạy tiếng Việt

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng Huân, Trường Tiểu học Long Mai, ở bậc mẫu giáo, các em chơi là chủ yếu. Vào lớp 1, nhiều em chưa biết cầm bút, chưa biết chữ cái nên giáo viên tập cho các em làm quen với môi trường học tập mới và tập cho các em nói bằng tiếng Việt.

Dạy tiếng Việt cho học sinh thông qua tranh ảnh, tổ chức cho các em tham gia trò chơi, tập hát múa, giao tiếp với bạn bè... Nhờ vậy, khi bước vào năm học mới, các em tự tin hơn.

Cô Nguyễn Thị Sanh, dạy lớp 1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Trà Hiệp (huyện Trà Bồng) cho hay, trẻ em ở đây nhiều em chưa biết tiếng Việt. Do vậy, giáo viên giúp các em phát âm đúng, nói được tiếng Việt thông qua các đồ vật, tranh ảnh. Đồng thời, tổ chức chơi trò chơi để các em dạn dĩ hơn. Sau 3 tuần học, các em đã biết chữ cái, nói những câu cơ bản bằng tiếng Việt.

Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, ngành GD&ĐT huyện đã chỉ đạo 17 trường trên địa bàn dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1, với tổng số 850 em. Huyện luôn ưu tiên nguồn lực, tích cực triển khai các chương trình, đề án phát triển giáo dục, trong đó chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Mục đích là tạo tâm thế sẵn sàng cho trẻ đến trường. Các em được trang bị vốn tiếng Việt cơ bản để có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt trong môi trường học tập mới.

Song song, học sinh còn được hình thành nền nếp học tập, tự tin trong học tập khi vào học lớp 1. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học tại các huyện miền núi trong tỉnh.

Theo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, giai đoạn I thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, tuy chưa thể đạt 100% trẻ đến lớp giao tiếp bằng tiếng Việt nhưng khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ có nhiều tiến bộ. Việc này giúp các em hứng khởi, tự tin học tập, giao tiếp.

Ngành GD&ĐT Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện giai đoạn II của đề án và đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục Mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ