Làm từ thứ Hai đến Chủ nhật
Gắn bó với nghề cấp dưỡng 25 năm nhưng lương sau khi trừ các khoản bảo hiểm của chị Nguyễn Thị Anh (51 tuổi) chỉ 4,2 triệu đồng/tháng và đây cũng là mức thu nhập cao nhất trong tổ gồm 5 nhân viên cấp dưỡng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.
Theo chị Anh, tiền lương thấp nên "không thấm vào đâu" so với chi tiêu sinh hoạt của gia đình. Để đủ trang trải cho cuộc sống cũng như chăm lo cho 2 con thì cả chị và chồng đã phải rất cố gắng. Ngặt nỗi, do công việc cấp dưỡng tại trường đã chiếm hết phần lớn thời gian nên ngoài tiền lương tại trường chị không còn bất cứ nguồn thu nhập nào khác.
"Cả trường có 200 học sinh nội trú và chúng tôi phải làm việc suốt cả tuần, gần như không nghỉ ngày nào. Thời gian trước chị em làm thứ 7, Chủ nhật còn có tiền làm ngoài giờ nhưng từ năm 2019 thì không còn khoản này nữa", chị Anh cho biết.
Từng nhiều lần nghĩ đến việc thôi làm và cũng có nhiều người khuyên tìm công việc khác nhưng phần vì thương các em học sinh, phần thì luôn kỳ vọng một ngày nào đó mức lương sẽ được cải thiện nên nghĩ rồi lại thôi, thấm thoắt chị Anh đã có hơn 25 năm chăm từng bữa ăn cho học sinh vùng cao.
Chị Anh mong muốn thu nhập nghề cấp dưỡng sẽ được cải thiện. |
Tương tự, chị Ngô Thị Cúc (54 tuổi), hơn 20 năm miệt mài với công việc đứng bếp tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Ngãi. Số tiền chị nhận được hằng tháng sau khi trừ bảo hiểm là hơn 4,4 triệu đồng (đã cộng với 250 nghìn đồng từ hỗ trợ của trường).
Trước đây, số lượng học sinh ít nhưng số lượng nhân viên cấp dưỡng nhiều. Đến nay, số lượng học sinh của trường tăng lên 500 em, nên khối lượng công việc của nhân viên cấp dưỡng cũng tăng. Trong khi đó, số lượng nhân viên cấp dưỡng lại giảm đi.
Các con chỉ có thể ăn mì tôm hoặc xôi từ tiền lương của mẹ
"Với mức lương hơn 3,6 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản bảo hiểm, tôi thực nhận 3,1 triệu đồng cùng với 250 nghìn đồng hỗ trợ của trường. Thu nhập thấp nên mỗi sáng 2 con của tôi chỉ ăn sáng với số tiền 5.000 đồng/cháu. Với số tiền đó, các cháu chỉ có thể ăn mì tôm hoặc xôi", chị Trương Thị Hạ (42 tuổi), có hơn 13 năm làm cấp dưỡng nấu ăn tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
"Nhiều khi rất tủi thân, chị em làm suốt từ thứ Hai đến Chủ nhật nhưng tiền lương thì chẳng bù so với thời gian và công sức bỏ ra. Chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm tiền làm việc ngoài giờ ngày thứ 7, Chủ nhật để đảm bảo đời sống", chị Cúc chia sẻ.
Các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi cũng nhiều nỗi lo toan với chế độ tiền lương nhân viên cấp dưỡng còn quá thấp.
Theo quy định trường phổ thông dân tộc bán trú có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hợp đồng không quá 5 nhân viên cấp dưỡng, cứ 30 học sinh sẽ có 1 nhân viên cấp dưỡng.
Tuy nhiên, mức lương mỗi tháng của nhân viên cấp dưỡng cũng chỉ 3,6 triệu đồng và sử dụng nguồn ngân sách huyện giao hằng năm để chi trả.
Theo một hiệu trưởng thì mức lương như hiện tại rất khó giữ chân được nhân viên cấp dưỡng. Hơn nữa, ở miền núi, các trường hầu như không thể vận động nguồn xã hội hóa từ phụ huynh nên hầu như không có nguồn hỗ trợ cho nhân viên cấp dưỡng.
Cần có hỗ trợ cho nhân viên cấp dưỡng trường học. |
Trường muốn hỗ trợ nhiều hơn nhưng "lực bất tòng tâm"
Để kịp thời chăm lo bữa ăn hằng ngày cho 500 học sinh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Ngãi phải hợp đồng với 8 nhân viên cấp dưỡng.
Nhà trường thực hiện chế độ theo Nghị định số 38/2022 quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mỗi nhân viên cấp dưỡng có mức lương hơn 3,6 triệu đồng/tháng.
Theo thầy Bùi Thế Giới - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Ngãi, thu nhập của nhân viên cấp dưỡng vẫn còn quá thấp, trong khi thời gian làm việc từ sáng đến tối và làm việc cả ngày cuối tuần nên không có điều kiện làm thêm để tăng thu nhập.
Hằng tháng, nhà trường cũng chỉ có thể hỗ trợ mỗi người 250 nghìn đồng, cân đối từ nguồn kinh phí hoạt động.
Ngoài việc quy định lương theo mức tối thiểu vùng thì hiện không có quy định hỗ trợ khác. Nhà trường mong chính quyền các cấp quan tâm có mức hỗ trợ thêm cho nhân viên cấp dưỡng.
Chị Cúc chưa thể hài lòng với mức lương sau hơn 20 năm chăm lo từng bữa ăn của học sinh. |
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Lê Hoài Thạnh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Sơn Tây cho rằng mức lương như hiện nay chưa thể làm hài lòng nhân viên cấp dưỡng.
Theo thầy Thạnh, để chia sẻ và động viên bộ phận cấp dưỡng, có những tháng trường trích từ 100 -150 nghìn đồng để hỗ trợ mỗi người nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức đó chứ không thể cao hơn vì kinh phí trường hạn hẹp.
Để cải thiện thu nhập cũng như các chế độ khác cho cấp dưỡng trường học cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền.