Quyết tâm đẩy lùi bạo lực trẻ em

GD&TĐ -Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em. Vì vậy để đẩy lùi nạn bạo lực đối với trẻ em phải có sự quan tâm chặt chẽ từ phía gia đình và nhà trường.

Trẻ em cần được toàn xã hội quan tâm
Trẻ em cần được toàn xã hội quan tâm

Trẻ em phải được xã hội quan tâm

Trẻ em là tương lai của đất nước, các em phải được nuôi dưỡng và giáo dục trong vòng tay yêu thương của toàn xã hội. Nhưng trên thực tế ở đâu đó trong xã hội  nhiều trẻ em bất kể ngày đêm vẫn bị bạo hành với nhiều hình thức và điều đó đã trở thành vấn nạn trên toàn thế giới.

Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường trong đó nguyên nhân chủ yếu là do: bố mẹ, thầy, cô giáo và chính bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em, cũng như sự hiểu biết kiến thức pháp luật liên quan đến quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, quyền được đảm bảo an toàn của trẻ còn sơ sài, chưa quan tâm đúng mức.

Nhận thức, hiểu biết của các em còn chưa đầy đủ, vẫn luôn “phụ thuộc” vào người lớn khiến cho trẻ em khó tự bảo vệ mình, dễ bị bạo lực, xâm hại hơn các đối tượng khác.

Cam kết “ một thế giới phù hợp trẻ em” năm 2002 đã nêu rõ: “Chăm sóc cho mọi trẻ em, nuôi dạy trẻ trong một môi trường an toàn, tạo điều kiện cho các em có cuộc sống thể chất khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, tình cảm đảm bảo..”.

Hệ thống pháp luật và chính sách phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ như: Hiến pháp của nước CHXHCNVN, Bộ Luật hình sự; Luật Trẻ em, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị liên quan đến Bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đẩy mạnh sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường

Phải đẩy lùi nạn bạo hành trong học đường
Phải đẩy lùi nạn bạo hành trong học đường

Ngô Thị Diệp Lan, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân, Quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Ngay tại các nhà trường hiện nay, vấn đề bạo hành đối với học sinh cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Công tác phòng chống bạo hành học đường phải trở thành nhiệm vụ của tất cả mọi người từ cán bộ quản lý đến giáo viên, nhân viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh.

Trong đó lãnh đạo nhà trường phải có trách nhiệm tuyên truyền, động viên cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh tham gia cuộc vận động hưởng ứng “Tuần lễ phòng ,chống bạo hành trẻ em”.

Mỗi chúng ta hãy nâng cao nhận thức, xây dựng thái độ và hành vi ứng xử đối với trẻ em , đối với học sinh của mình. Hãy nói không với bạo lực trẻ em trong gia đình. Để chấm dứt việc này phải bắt đầu từ nhận thức của phụ huynh.

Đưa ra các giải pháp nhằm đầy lùi nạn bạo lực thân thể đối với trẻ em, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã nhấn mạnh: “ Đối với các thầy, cô giáo: Phải thường xuyên trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là kiến thức nghiệp vụ sư phạm; nâng cao đạo đức nhà giáo, hiểu biết và có ý thức thực hiện pháp luật, luôn phấn đấu để trở thành tấm gương sáng để học sinh noi theo;

Quan tâm, quản lý giáo dục học sinh, yêu thương, tận tình dạy dỗ, chia sẻ và quan tâm đối với học trò để làm tròn trách nhiệm cao cả của mình, được học trò tin yêu và luôn coi “Cô giáo như Mẹ hiền”; 

Sử dụng các phương pháp dạy học tích cực đối với học sinh; Thay đổi tư duy, không áp đặt, hãy để học sinh lắng nghe, tiếp cận bằng mối quan hệ tích cực: Yêu thương, cởi mở, chia sẻ, tuyệt đối không sử dụng các hành vi mang tính bạo lực, miệt thị, xúc phạm và hận thù đối với học sinh trong các hoạt động giáo dục.”

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa:  “Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ em. Tôi đề nghị các bậc phụ huynh luôn mẫu mực cho con trẻ noi theo, giáo dục gia đình phải được đặt lên hàng đầu và là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của trẻ, hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm đến con em mình, thái độ quan tâm, chia sẻ của cha mẹ đến con cái hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, sức khỏe, trí tuệ và tương lai của trẻ.

Các bậc phụ huynh cũng cần thiết phải khen - chê đúng lúc để động viên khi các em làm được việc tốt, hoặc chấn chỉnh hành vi khi các con em mình làm điều sai trái, điều này rất quan trọng vì trẻ được cha mẹ uốn nắn, khen thưởng đúng lúc, kịp thời dần hình thành cho trẻ ý thức điều chỉnh hành vi, biết phân biệt phải trái, lĩnh hội được những chuẩn mực đạo đức của xã hội, những quy định của luật pháp, từ đó trẻ sẽ trở thành con ngoan, trò giỏi.

Cha mẹ hãy dành thời gian tìm hiểu các phương pháp giáo dục tiên tiến, thay đổi tư duy “Yêu cho roi cho vọt”, “Đòn đau nhớ đời” để không sử dụng hành vi bạo lực trong dạy dỗ con trẻ, hãy thành người thầy giáo, cô giáo của con trong gia đình và cùng đồng hành với nhà trường, thầy cô trong giáo dục, rèn luyện con của mình.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ