Tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Thái Bình đề cập vấn đề dạy chính khóa và dạy thêm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh; đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện cải cách triệt để phù hợp tình hình thực tế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ GD&ĐT cho biết: Trong những năm qua, chương trình dạy học chính khóa được Bộ GD&ĐT triển khai nghiêm túc, linh hoạt và hiệu quả; trên cơ sở đảm bảo đủ về nội dung, thời lượng không cắt xén chương trình học trên lớp, từng bước giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cho các cơ sở giáo dục.

Nhiều mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện; chất lượng giáo dục nước ta nhất là chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, ở một số địa phương một số nhà trường chưa thực hiện tốt, còn tổ chức dạy thêm theo cơ cấu các lớp học chính khoá; một số giáo viên chưa dạy đúng, đủ chương trình theo quy định, giảm nội dung trong chương trình dạy học chính khoá để đưa vào chương trình dạy thêm là trái với quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 3, Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/8/2019 công bố hết hiệu lực một số điều (6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14) của Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT. Tuy nhiên, các điều còn lại của Thông tư này vẫn còn hiệu lực, trong đó Điều 3, Điều 4 đã quy định rất rõ nguyên tắc và các trường hợp không được dạy thêm, học thêm; Điều 15, 16 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và sở GD&ĐT trong việc quản lý dạy thêm và học thêm; Điều 17, 18 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện và phòng GD&ĐT trong việc quản lý dạy thêm và học thêm trên địa bàn.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn, xử lý bệnh thành tích trong giáo dục; tăng cường chức năng giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ