Tăng cường phòng bệnh sốt xuất huyết trong trường học

GD&TĐ - Sở Y tế TPHCM đã cảnh báo dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, nếu không có biện pháp quyết liệt; Đồng thời, đề nghị Sở Giáo dục& Đào tạo tổ chức truyền thông về bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, nhân viên nhà trường.

Trẻ sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC
Trẻ sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC

Phòng bệnh trong trường học

Số ca sốt xuất huyết ở nước ta đang ngày một tăng và chưa có chiều hướng giảm. Bộ Y tế cảnh báo, hiện là cao điểm mùa dịch, số mắc sốt xuất huyết liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây.

Dự báo, số mắc thời gian tới tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai biện pháp phòng chống dịch. Các chuyên gia dự báo, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7.

Trong 11/20 tỉnh, thành phía Nam có số ca mắc trên 100 ca/100.000 dân; 10 tỉnh, thành có bệnh nhân tử vong, nhiều nhất là TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh.

Trước bối cảnh này, Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu phòng GD&ĐT các địa phương và các đơn vị thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trong trường học nhằm phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết.

Sở yêu cầu đẩy mạnh giáo dục, hình thành ý thức và thói quen vệ sinh môi trường cho học sinh. Đồng thời, truyền thông đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã cảnh báo dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, nếu không có biện pháp quyết liệt. Sở Y tế đề nghị Sở GD&ĐT tổ chức truyền thông về bệnh sốt xuất huyết cho các giáo viên, nhân viên nhà trường.

Huy động, hướng dẫn các em học sinh trong các hoạt động nhằm loại bỏ lăng quăng, bọ gậy ở các vật dụng chứa nước trong nhà và khu vực xung quanh. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường hàng tuần và đặc biệt thu gom các vật phế thải có khả năng đọng nước trong trường trước khi cho học sinh nghỉ hè.

Trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngay từ cuối tháng 4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết.

Sau đó, giữa tháng 5, Bộ Y tế có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó nhấn mạnh đến dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã liên tiếp có 2 văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các viện đầu ngành đề nghị tăng cường phòng chống sốt xuất huyết.

Sai lầm thường gặp

Năm nay, tử vong do sốt xuất huyết ở trẻ em nhỉnh hơn người lớn. Trong khi đó, những năm trước, tỷ lệ tử vong ở người lớn luôn cao hơn so với trẻ em. Mọi năm, khu vực miền Tây Nam Bộ chiếm 10% số ca tử vong. Năm nay, dù mới 5 tháng đầu năm, số ca tử vong đã chiếm 25%. Thời gian gần đây, các Bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn TPHCM điều trị nhiều trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, có nhiều ca bị sốc nặng, tổn thương đa cơ quan. Có ca ngưng thở, ngưng tim trước khi nhập viện. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị khoảng 30 - 40 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 10% bệnh nhân nặng - Bác sĩ LƯƠNG CHẤN QUANG (Phó khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TPHCM).

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, đơn vị này tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết. Có thời điểm, 90% bệnh nhân nằm ở khoa Nhi điều trị sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Thoa, ý thức chủ quan khiến quá trình điều trị khó khăn, gây biến chứng không đáng có. Nguyên nhân đến từ việc cha mẹ chậm đưa con đi bệnh viện khám và chủ quan trong việc chăm sóc trẻ. Chuyên gia này cho rằng, một số sai lầm có thể khiến trẻ mắc sốt xuất huyết nguy hiểm tính mạng.

Điều quan trọng là không chủ quan khi trẻ bị sốt. Theo bác sĩ Thoa, sốt có thể do nhiều nguyên nhân. Sốt do sốt xuất huyết có đặc điểm là sốt cao liên tục và không kèm các triệu chứng đường hô hấp như ho, sổ mũi. Trong khi đó, nếu mắc Covid-19, trẻ có thể sốt cao hay sốt nhẹ và kèm triệu chứng ho, chảy mũi, nghẹt mũi,..

“Để biết chính xác có phải sốt xuất huyết không, trẻ cần được thăm khám và làm xét nghiệm. Ngoài xác định được bệnh, xét nghiệm máu còn giúp tiên lượng bệnh nhân nặng hay nhẹ. Do đó, dù người bệnh nghi ngờ mình bị bệnh gì, khi sốt cao khó hạ hay đã qua 48 tiếng mà trẻ vẫn còn sốt thì nên đi khám ngay”, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa nói thêm.

Ngoài ra, theo bác sĩ Kim Thoa, không phải cứ hết sốt là trẻ đã khỏi sốt xuất huyết. Thông thường, khi trẻ bớt sốt vào ngày 3 - 7 của bệnh, nhiều phụ huynh cho rằng bệnh đã giảm.

Tuy nhiên, thực tế, đây mới là giai đoạn nguy hiểm nhất. Trẻ dễ bị xuất huyết da và niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu ra máu... Trẻ có cảm giác buồn nôn hay nôn ói, nặng hơn sẽ có biểu hiện vật vã, lừ đừ, li bì.

Do đó, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ vận động mạnh bởi có thể gây chấn thương. Nếu vượt qua được giai đoạn nguy hiểm này, trẻ sẽ vào giai đoạn phục hồi. Khi đó, trẻ khỏe dần lên, bắt đầu thèm ăn, đi tiểu nhiều hơn.

Đặc biệt, sai lầm nhiều phụ huynh mắc là tự ý điều trị cho trẻ tại nhà. Bác sĩ Thoa cảnh báo, việc tự ý điều trị tại nhà không qua thăm khám của bác sĩ được xem là một trong những lí do khiến các ca bệnh nặng tăng ở trẻ em.

“Có nhiều trẻ cần được thăm khám nhiều lần trong ngày để đánh giá diễn tiến và theo dõi các xét nghiệm. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ không được tái khám đúng lịch hay can thiệp kịp thời khi trở nặng.

Gia đình không được chủ quan vì biến chứng của sốt xuất huyết rất đáng sợ, kể cả trẻ em hay người lớn. Trẻ có thể bị tổn thương gan, xuất huyết tiêu hóa, tiểu ra máu, thở bất thường và thậm chí có thể tử vong”, bác sĩ Thoa chia sẻ.

Theo chuyên gia này, nhập viện sớm không cải thiện 100% tiên lượng, nhưng chắc chắn sẽ tránh được tình trạng bệnh diễn tiến nặng và có nguy cơ gây ra biến chứng. Do đó, phụ huynh cần tìm hiểu về sốt xuất huyết để biết chăm sóc trẻ đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.