Sốt xuất huyết nặng khiến men gan bé gái 7 tuổi tăng cao gấp 100 lần

GD&TĐ - Trường hợp bé gái 7 tuổi ở Cà Mau đã từng bị sốt xuất huyết năm 2018. Trong lần tái nhiễm này, bé bị rối loạn đông máu, tổn thương gan, suy gan nặng, men gan tăng cao gấp 100 lần so với bình thường.

Bệnh nhi được theo dõi điều trị tích cực. Ảnh: BV.
Bệnh nhi được theo dõi điều trị tích cực. Ảnh: BV.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhi Lý Hoàng L.V., nữ 7 tuổi, nhà ở Cà Mau. Bệnh sử 7 ngày với 4 ngày đầu bé sốt cao liên tục, 39-40 độ C, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt lại. Ngày 5 bé vẫn còn sốt kèm nôn ói nhiều nên nhập Trung tâm y tế huyện.

Bé được truyền dịch, xét nghiệm men gan bình thường nhưng vẫn còn sốt, nhợn ói và đừ nhiều nên ngày thứ 7 của bệnh gia đình mang bé đến nhập bệnh viện Nhi Đồng 1 vào tối ngày 19/5.

Tiền căn bé bị bệnh thiếu máu tán huyết -Thalassemia theo dõi tái khám định kỳ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và đã từng bị sốt xuất huyết Dengue vào năm 2018.

Bé nhập viện trong tình trạng lừ đừ, sốt cao, huyết động học ổn định nhưng xét nghiệm ghi nhận men gan tăng cao hơn 10 lần so với bình thường (AST 600 UI/L; ALT 258 UI/L), tăng bilirubin máu. Sau nhập viện 12 giờ, tình trạng tri giác của bé xấu dần, bé hôn mê, vàng da niêm nhiều, gan to kèm men gan tiếp tục tăng cao hơn 100 lần so với bình thường (AST 7923 UI/L ; ALT 2972 UI/L). Chức năng gan giảm với NH3 (237 mmol/L), lactate(15 mmol/L) tăng rất cao, rối loạn đông máu nặng. Ngay lập tức bé được đặt nội khí quản giúp thở và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bé được tiếp tục hỗ trợ hô hấp, chống phù não, điều trị suy gan cấp nặng bằng thuốc N-Acetyl cystein, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu để ổn định chức năng đông máu tránh xuất huyết nặng.

Song song đó, các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân gây tổn thương gan như sốt xuất huyết Dengue, nhiễm trùng, viêm gan siêu vi, viêm gan tự miễn, ngộ độc thuốc và bệnh chuyển hóa …

Dù được điều trị tích cực nhưng bé vẫn mê sâu, mức độ tổn thương gan vẫn diễn tiến xấu gây suy gan nặng và rối loạn đông máu.

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã hội chẩn quyết định thay huyết tương thể tích lớn kết hợp với lọc máu liên tục cho bé để thay thế chức năng gan và ổn định chức năng đông máu.

Điều kỳ diệu đã đến khi tổn thương gan đã dừng lại và chức năng gan cải thiện dần. Đồng thời kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị sốt xuất huyết Denguegây suy gan cấp nặng.

Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng bé đã tiến triển tốt, các bác sĩ đã ngưng lọc máu và cai máy thở cho bé. Hiện tại bé tỉnh táo, ăn uống được, chức năng gan đã hồi phục và được chuyển lên khoa Sốt xuất huyết ngày 28/05/2022 để tiếp tục theo dõi. Dự kiến bé có thể xuất viện trong vài ngày tới.

PGS. TS. Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, hiện nay dịch sốt xuất huyết Dengue đang tăng cao và có nhiều trường hợp nặng, bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có tình trạng suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong. Vì thế các bậc phụ huynh phải luôn cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết Dengue đang vào mùa.

Bệnh nhi sốt từ 2-3 ngày trở lên phải được đến khám tại cơ sở y tế để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết Dengue và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ