Tăng cường năng lực cho giáo viên: Đừng chỉ dừng ở giới thiệu sách

GD&TĐ - Với tập huấn sử dụng sách giáo khoa của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên mong muốn đại diện các nhà xuất bản không chỉ dừng lại ở giới thiệu cấu trúc của sách.

Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia thẩm định, đề xuất lựa chọn sách giáo khoa ở cấp trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia thẩm định, đề xuất lựa chọn sách giáo khoa ở cấp trường.

Thầy cô còn quan tâm đến các nội dung như mạch kiến thức tổ chức trong sách giáo khoa mới có gì khác với chương trình cũ, kế thừa hệ thống kiến thức ở lớp dưới như thế nào…

Ưu tiên tổ chức tập huấn trực tiếp

Từng tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa (SGK) lớp 6, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn tổ Lịch sử, Địa lý, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc tập huấn sử dụng SGK được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Mỗi môn học chỉ có khoảng 30 phút, vừa đủ để đại diện nhà xuất bản giới thiệu tóm tắt nội dung, cấu trúc của sách. Do dừng lại ở việc giới thiệu nên hiệu quả không cao dù trước đó giáo viên đã đọc rất kỹ để so sánh giữa các bộ sách của các nhà xuất bản khác nhau nhằm chọn ra đầu sách phù hợp cho trường.

Từ thực trạng trên thầy Tuấn mong muốn có sự đối thoại giữa nhóm biên soạn và giáo viên để giải đáp những thắc mắc. “Tổ chức hội thảo trực tiếp thì việc giải đáp thắc mắc, hỗ trợ cho giáo viên sẽ hiệu quả hơn là giải đáp trực tuyến. Nếu vẫn duy trì hình thức tập huấn trực tuyến cần phải kéo dài thời gian.

Sách cần chuyển về cho giáo viên sớm để có đủ thời gian giáo viên “thẩm thấu”, tránh việc tập huấn một chiều như thời gian vừa qua”, thầy Tuấn bày tỏ. Lý giải về điều này, thầy Tuấn cho biết: Từ thực tế dạy – học lớp 6, có nhiều nội dung, dụng ý của nhóm biên soạn mà giáo viên có thể chưa hiểu hết được. Trong sách giáo khoa, phần mở đầu đã có mục tiêu nhưng mục tiêu chi tiết từng hoạt động, có khi giáo viên chưa được rõ.

Theo dự kiến, cô Trần Thị Thúy Kiều, giáo viên Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sẽ tham gia dạy học môn Toán chương trình – sách giáo khoa lớp 7 trong năm học 2022 – 2023. Cô Kiều mong muốn trong tập huấn sử dụng sách giáo khoa, đại diện nhà xuất bản chỉ ra những điểm mới so với sách giáo khoa của chương trình hiện hành. “Mặc dù trong nội dung tập huấn vẫn có nội dung về tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như các phân môn cụ thể. Thế nhưng, giáo viên vẫn muốn được giới thiệu cụ thể hơn trong từng bộ sách giáo khoa”, cô Thúy Kiều giãi bày.

Có cùng nhận xét như thầy Nguyễn Văn Tuấn, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) thì cho rằng: Các nhà xuất bản có sách được địa phương lựa chọn cần phải thể hiện vai trò của mình trong tập huấn. “Giáo viên rất cần một tiết dạy thực tế để tham khảo, để biết sử dụng sách giáo khoa đó sẽ dạy như thế nào. Nhà xuất bản có thể phối hợp với sở GD&ĐT hoặc một số trường để kết hợp minh họa một tiết, tránh trường hợp giáo viên chỉ tiếp cận lý thuyết là chủ yếu”,  cô Nguyệt bày tỏ.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) hoạt động ngoại khóa, chăm sóc vườn rau tại khu nội trú.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) hoạt động ngoại khóa, chăm sóc vườn rau tại khu nội trú.

Đẩy mạnh sinh hoạt tổ chuyên môn

Dù bồi dưỡng trực tuyến hay trực tiếp thì ý thức và thái độ của giáo viên khi tham gia đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thay vì giáo viên có điều kiện tương tác, thảo luận, phân tích trực tiếp giữa các trường, cụm trường với nhau thì nay phải chuyển sang tương tác trực tuyến, tính phản biện, chia sẻ trực tiếp tạm thời dừng ở phạm vi trong tổ chuyên môn của một trường học.

Chia sẻ điều này, thầy Trần Minh Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhấn mạnh: Tập huấn sử dụng sách giáo khoa, giáo viên phải nắm được cấu trúc chương trình, các mạch kiến thức tổ chức trong SGK mới có gì khác với chương trình cũ… “Trong quá trình tập huấn, giáo viên đang học “đơn phương” theo hướng lý luận là chủ yếu. Điều quan trọng là sẽ vận dụng vào dạy học thực tiễn, tương tác với học sinh như thế nào. Chính vì vậy, nhà trường định hướng cho giáo viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm, học là để làm chứ không phải học để biết”.

Có 2 năm dạy – học Chương trình, sách giáo khoa mới từ lớp 1 - 2, cô Trần Thị Tú Điển, Tổ trưởng tổ 2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ: “Khi tập huấn các mô-đun cũng như sách giáo khoa, giáo viên vẫn chưa hình dung hết được sẽ áp dụng vào thực tế giảng dạy như thế nào. Chỉ khi dạy – học trên lớp, giáo viên mới biết được những vướng mắc, khó khăn trên từng bài học cụ thể. Do một số nội dung trong sách giáo khoa có thể không phù hợp hoặc xa lạ với học sinh tại địa phương. Tổ chuyên môn đã thống nhất có thể thay thế bằng học liệu gắn liền với địa phương để học sinh dễ tiếp thu”.

Từ thực tế giảng dạy, tùy theo nhu cầu của giáo viên, các tổ chuyên môn triển khai dạy học Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập tổ chức sinh hoạt theo từng chủ đề với thời lượng khoảng 2 tuần/lần. Trên từng bài học cụ thể. Nhà trường chủ trương những giáo viên đã tham gia thực hiện chương trình – sách giáo khoa lớp 1 của năm đầu tiên sẽ theo lớp lên ở những năm tiếp theo.

“Như vậy, giáo viên vừa có kinh nghiệm trong sử dụng phương pháp dạy học, phân phối chương trình, thiết kế nội dung bài dạy từ những lớp dưới. Những kinh nghiệm này sẽ được chia sẻ cho giáo viên đảm nhận dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới của những năm sau đó nên rất thuận tiện”, thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Cô Trần Thị Tú Điển mong muốn trong tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 3, đại diện nhà xuất bản giới thiệu được sách giáo khoa kế thừa hệ thống logic kiến thức của khối 1 - 2, phát huy trục kiến thức của chương trình ở lớp 3 ra sao. Sách dựa trên chương trình tổng thể như thế nào…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ