Tăng cường kỹ năng làm Toán sau khi có đề minh họa

GD&TĐ - Nếu đặt mục tiêu từ 9 điểm Toán trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, học sinh cần tăng cường các kỹ năng làm bài và các dạng toán vận dụng.

Thầy Nguyễn Thanh Tuấn - Giáo viên Toán Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn - Giáo viên Toán Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Ngày 22/3, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố bộ đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ở các môn, trong đó có Toán. Các thí sinh có thể xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, thầy Nguyễn Thanh Tuấn - Giáo viên Toán Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nhận định, đề tham khảo môn Toán khá hay, cấu trúc và dạng thức tương đồng với đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây.

Đề có nội dung, phạm vi kiến thức theo đúng chuẩn kiến thức của Bộ GD&ĐT. Các câu hỏi trong đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (khoảng 90%) và chương trình lớp 11 (10%).

Những câu hỏi thuộc chương trình lớp 12 trải đều các chủ đề đã học và có trong sách ôn tập thi tốt nghiệp: Hàm số, mũ và lôgarit, nguyên hàm, tích phân, số phức, khối đa diện, khối tròn xoay, hình học giải tích trong không gian.

Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 đều là những dạng toán khá quen thuộc mà học sinh đã được luyện tập thuộc các chủ đề dãy số, tổ hợp, xác suất, góc và khoảng cách trong không gian.

Ma trận từ đề tham khảo môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD&ĐT công bố. Nguồn: INT.

Ma trận từ đề tham khảo môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD&ĐT công bố. Nguồn: INT.

Về độ khó của đề thi tương đương với đề tốt nghiệp năm 2023. Đề có 35 câu đầu tiên thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu. Học sinh chỉ cần học theo sách giáo khoa, nắm vững kiến thức trọng tâm là có thể làm tốt. Do đó, các em học tốt kiến thức cơ bản có thể yên tâm đạt 6 - 7 điểm.

5 câu hỏi cuối mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề Mũ và lôgarit, số phức, ứng dụng tích phân, hàm hợp, khối tròn xoay và hình học giải tích trong không gian. Điểm mới là đề thi có 2 câu liên hệ thực tế yêu cầu các em phải có tư duy sáng tạo kết hợp hình ảnh thực tiễn.

Các câu hỏi vận dụng – vận dụng cao hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi chính thức hoặc đề thi của các trường, các Sở GD&ĐT như giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của hàm lôgarit, cực trị của hàm số, min – max mô-đun số phức…

Theo thầy Tuấn, để có thể hoàn thành trọn vẹn bài thi trong thời gian cho phép đòi hỏi học sinh cần học thật tốt kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng làm bài như tính toán, biến đổi, sử dụng máy tính cầm tay...

Thí sinh cần học, ôn tập thật tốt theo những chuyên đề của sách ôn thi tốt nghiệp THPT kết hợp làm thường xuyên các đề tổng hợp theo mẫu đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Thầy Nguyễn Thanh Tuấn đưa ra lời khuyên, học sinh cần lưu ý các câu hỏi thuộc phần vận dụng cao giữa đề tham khảo và đề thi thật có thể thay đổi về dạng toán và độ khó. Vì vậy, với những em đặt mục tiêu 9+ đề thi tốt nghiệp THPT, ngoài việc luyện tập chăm chỉ với các dạng bài trong đề tham khảo thì cũng cần mở rộng phạm vi với các dạng toán vận dụng cao khác có thể không xuất hiện trong đề minh họa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ