Những lưu ý giúp học tốt Vật lí cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025

GD&TĐ - Thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ KHTN Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội đưa ra một số lưu ý để học sinh học tốt Vật lí thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Việc Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 là rất cần thiết. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Việc Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 là rất cần thiết. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Thí sinh cần học tập chủ động

Với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ngoài môn Ngữ Văn thi tự luận thì các môn còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Điều này sẽ tránh để lọt những học sinh “ăn may” do “khoanh bừa” và phân loại tốt các đối tượng học sinh. Cấu trúc chung đều gồm 3 phần:

Phần I: Trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn: Các câu trắc nghiệm khách quan 4 đáp án, trong đó có 1 đáp án lựa chọn duy nhất. Mỗi câu trả lời đúng, học sinh được 0,25 điểm.

Phần II: Câu trắc nghiệm đúng sai: Mỗi câu 4 ý a, b, c, d với các mức độ khó dễ khác nhau. Học sinh phải cho ý kiến của mình xem ý đó là đúng hay sai. Bỏ trống hoặc trả lời sai sẽ không có điểm. Học sinh phải thật sự có kiến thức để biết ý đó viết đúng hay sai. Phần này bắt đầu có sự phân hóa học sinh trung bình và học sinh khá.

Thạc sĩ Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội).

Thạc sĩ Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội).

Phần III: Câu trắc nghiệm trả lời ngắn, mỗi câu học sinh phải tính toán hoặc khai thác để tìm ra đáp án bằng số cụ thể để điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Thí sinh sẽ phải hiểu bài, giải bài để tìm ra kết quả. Phần này dành để phân loại (câu vận dụng, vận dụng cao) chọn ra học sinh học giỏi và học sinh xuất sắc.

Nội dung các môn đều có đặc thù riêng của môn đó và có tính vận dụng, liên hệ thực tế. Như vậy, để đáp ứng bài thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, theo thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên cần dạy học đảm bảo tinh thần đổi mới Chương trình GDPT 2018 để học sinh được chủ động, sáng tạo lĩnh hội kiến thức.

Kiến thức cần được vận dụng, liên hệ với thực tiễn cuộc sống. Về hình thức câu hỏi luyện tập đảm bảo cả hai loại: Trắc nghiệm khách quan để luyện tập đáp ứng Phần I; các câu hỏi tự luận để luyện tập đáp ứng Phần II, Phần III.

Về phía học sinh, thầy Phạm Quốc Toản nhấn mạnh, ngoài làm quen với việc luyện tập với các bài toán tự luận, các em cần phải làm quen với phiếu trả lời trắc nghiệm mới cũng như việc phân bố thời gian hợp lý cho các phần. Hi vọng với việc công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp các môn từ năm 2025, cả giáo viên và học sinh sẽ có những giải pháp dạy, học và luyện thi hiệu quả.

Nắm chắc định dạng đề thi

Học sinh cần nắm chắc cấu trúc định dạng đề thi để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Học sinh cần nắm chắc cấu trúc định dạng đề thi để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Theo nhận định của thầy Phạm Quốc Toản, cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Do đó, các em học sinh cần nắm chắc định dạng đề thi để có thể chủ động trong việc ôn tập, luyện đề nhằm đạt hiệu quả cao.

Chia sẻ tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm tính kế thừa và phát triển về nội dung để phù hợp với thực tế triển khai chương trình mới.

Theo đó, môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại hình thức trắc nghiệm; giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đề cũng sẽ thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn; thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

Ngoài ra, cấu trúc mới vẫn giữ nguyên 40 lệnh hỏi (hầu hết các môn) nhưng giảm được số tờ giấy thi so với các đề hiện nay. Các môn chỉ tối đa 4 trang giấy A4 nên đề thi trình bày đủ trên 1 tờ giấy A3. Điều này giúp giảm bớt được khối lượng công việc, góp phần hạn chế rủi ro trong khâu in sao đề thi, ghép tờ đề thi bảo đảm thuận lợi. Từ đó sẽ tiết giảm khối lượng và sai sót trong công tác tổ chức thi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ