Sáng 2/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg về chương trình “Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong chương trình GD phổ thông giai đoạn 2021-2030”.
Báo cáo triển khai chương trình “Nâng cao chất lượng môn học tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030”, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Thanh cho biết, trong những năm qua, việc dạy học tiếng DTTS được Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục quan tâm triển khai.
Từ đó, việc thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp học sinh DTTS phát triển năng lực ngôn ngữ, hình thành những phẩm chất tốt đẹp, có tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ; ý thức về cội nguồn, bản sắc dân tộc; góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị ngôn ngữ, văn hoá của cộng đồng DTTS.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Thanh. Ảnh NC. |
Ông Thanh cho biết thêm, hiện nay, nhu cầu dạy học tiếng DTTS ở các địa phương vùng DTTS, miền núi là rất lớn. Theo khảo sát năm 2021, đối với 8 chương trình môn học tiếng DTTS đã được ban hành cho thấy: đến năm 2025 quy mô khoảng 185.000 học sinh/năm học (tăng so với hiện nay là 68.000 học sinh); đến năm 2030 khoảng 320.000 học sinh/năm học (tăng so với hiện nay là 200.000 học sinh).
Thời gian qua nhiều địa phương cũng triển khai dạy thực nghiệm các tiếng DTTS như: Hoa, Chăm Arabic, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Bru Vân Kiều, Stiêng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thanh cũng chia sẻ những khó khăn, hạn chế gặp phải trong quá trình triển khai dạy học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông như: Số chương trình môn tiếng DTTS được đưa vào giảng dạy chính thức còn khiêm tốn; cơ sở vật chất, thiết bị, tài liệu và công cụ dạy học còn nhiều thiếu thốn; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn thiếu; thiếu đội ngũ chuyên gia...
Để thực hiện hiệu quả chương trình “Nâng cao chất lượng các môn học DTTS trong chương trình GDPT giai đoạn 2021-2030, Vụ Giáo dục dân tộc đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thành biên soạn SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng DTTS đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái).
Bảo đảm đủ 100% SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng DTTS sau khi biên soạn. Ban hành mới ít nhất 1 chương trình môn học của tiếng DTTS đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông. Có đủ giáo viên tiếng DTTS, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng DTTS được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Đến năm 2030, ban hành mới ít nhất 2 chương trình môn học của tiếng DTTS đã có chữ viết để đưa vào dạy học; ban hành SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc trung học đối với những tiếng DTTS có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn; ban hành SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với những tiếng DTTS mới ban hành chương trình.
Bảo đảm đủ 100% SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học đối với các tiếng DTTS sau khi biên soạn; 100% giáo viên dạy tiếng DTTS có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng DTTS được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Đồng thời, phát triển chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng DTTS; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng DTTS; Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao các ý kiến, góp ý của đại diện Vụ, Cục, các Sở GD&ĐT, đại diện các tỉnh và trường đại học. Thứ trưởng ghi nhận vai trò, sự chủ động của các địa phương, trường đại học; mong các vụ, cục tiếp tục quan tâm sâu hơn.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ GD&ĐT tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến và tổng hợp câu hỏi gửi các vụ, cục liên quan để trả lời các ý kiến tại Hội thảo. Đồng thời, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, phải đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất.
Lộ trình triển khai Quyết định số 142/QĐ-TTg chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 2021 – 2025: Tập trung triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, trong đó đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện các điều kiện dạy học tiếng DTTS về chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Giai đoạn 2026 – 2030: Tiếp tục tạo lập cơ chế, chính sách đẩy mạnh triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra cho cả giai đoạn 2021-2030 của Chương trình; Duy trì và phát triển quy mô, bảo đảm chất lượng, hiệu quả bền vững trong dạy học các tiếng DTTS ở các địa phương