Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự và chủ trì Hội thảo. Cùng dự có Vụ trưởng Vụ GD Trung học Vũ Đình Chuẩn vài diện các Vụ, Cục, Viện, các Trường ĐH, phổ thông và Sở GD&ĐT tỉnh, thành.
Theo báo cáo đề dẫn, cơ bản chương trình GD phổ thông của các nước đều bao gồm hai phần chính, đó là hoạt động dạy học thông qua hệ thống các môn học; Hai là các hoạt động thực tiễn, tiến hành song song với hoạt động dạy học và gọi là hoạt động GD.
Song khái niệm đưa ra không khu biệt được những đặc trưng riêng của hoạt động này. Trong khi đó, từ năm 2009 đến nay nền GD Hàn Quốc thống nhất với tên gọi Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (TNST).
Hoạt động TNST có nghĩa tăng cường khả năng thực hành cho HS, học đi đôi với hành. Mỗi HS phải được hành động với kinh nghiệm cá nhân, đưa ra các sáng kiến trải nghiệm từ thực tế, không ngừng sáng tạo, nuôi dưỡng tính sáng tạo, ham học hỏi của bản thân.
Vì vậy, việc đổi mới căn bản toàn diện chương trình GD phổ thông ở nước ta cho thấy không chỉ tập trung đổi mới hoạt động dạy học các môn học mà còn cần chú ý đến hoạt động giáo dục TNST cho HS. Tất cả không ngoài mục tiêu đem lại nền GD toàn diện cho HS, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hội thảo nhận 19 bài tham luận của 21 tác giả đến từ nhiều trường ĐH, các Viện, Học viện, trường phổ thông, tiểu học, đủ các loại hình cùng nhiều ý kiến tích cực đóng góp cho hội thảo thông qua thực tế tại cơ sở GD của đơn vị mình.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng thuật ngữ hoạt động TNST tuy mới mẻ song không phải là vấn đề xa lạ mà ít nhiều đã có trong thực tiễn GD nước ta. Đây là sự tích hợp lại các nội dung của nhiều chương trình GD trước đây được thực hiện trong nhà trường.
Tuy nhiên, trong chương trình GD phổ thông thời gian tới, dưới cái tên hoạt động TNST thì các hoạt động GD đó cần được thiết kế thành một chương trình chỉnh thể, tích hợp, thống nhất, kết hợp giữa phát triển đồng tâm và tuyến tính, có tính mở gắn với thực tiễn địa phương, hướng tới mục tiêu đầu ra là phẩm chất và năng lực.
Vì thế, phải được triển khai, thực hiện theo phương thức tổ chức hoạt động cho HS trải nghiệm và sáng tạo.
Thực tế tại nhiều cơ sở GD việc tổ chức cho HS tham gia các hoạt động TNST đem lại hiệu quả GD cao, làm thay đổi cả nhận thức và hành động của HS.
Song, các đại biểu cũng quan tâm đến đến những khó khăn đang gặp phải. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam (ĐH Cần Thơ) cho rằng việc tổ chức các trường xưa nay làm chưa được bài bản. Do đó Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch để hướng dẫn cơ sở thực hiện hiệu quả.
Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành (ĐHSP thành phố HCM), TS. Lê Thành Thái và Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Na Hang (Tuyên Quang) Lê Xuân Cường cho biết: Hoạt động TNST của HS tốn kém, cần kinh phí nhưng nhà trường không thể đáp ứng nên rất cần công tác XHH, đặc biệt với huyện miền núi còn nghèo.
Bên cạnh đó, việc liên hệ với cơ sở đưa HS đi đôi khi cũng không thuận lợi như nhà máy hạn chế số lượng HS đến...vv. Ngoài ra, nhà trường còn gặp khó trong khâu tổ chức, kiểm tra, đánh giá hoạt động TNST của HS.
Bộ GD&ĐT cho biết, việc triển khai hoạt động TNST cho HS không khó nhưng cái khó đó chính là hạn chế về thời gian, điều kiện. Cái thiếu ở đây đó là thiếu cách làm hiệu quả. Do đó, sẽ không đặt ra mục tiêu cứng nhắc. Mục tiêu cụ thể dành cho các nhà trường, hoàn toàn chủ động lập kế hoạch để các trường phát huy hết vai trò chủ động sáng tạo của mình.
Ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, cần làm thay đổi nhận thức của HS, phụ huynh và của xã hội về hoạt động, vai trò, ý nghĩa của hoạt động TNST của HS.
TNST là hoạt động GD cần đẩy mạnh trong thời gian tới để cân bằng với hoạt động dạy chữ. Do đó, các nhà trường cần tập huấn, xây dựng mục tiêu, nội dung hoạt động, kế hoạch triển khai, đánh giá kết quả. Với cán bộ quản lý, phải xây dựng kế hoạch nhà trường cụ thể, khi nào tổ chức hoạt động gì, dành cho đối tượng HS nào, sẽ diễn ra ở đâu?
Cần làm sáng tỏ mục tiêu, có cơ chế phối hợp tốt để đẩy mạnh công tác XHH. Các hoạt động TNST của HS phải gắn với sản xuất của địa phương, phục vụ mục đích KT-XH của địa phương, gắn với mục tiêu của GD toàn diện.