Tăng cường hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhiều trường tăng cường hoạt động trải nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Cô trò Trường Mầm non Khánh Khê tham gia hội thi an toàn giao thông. Ảnh NTCC.
Cô trò Trường Mầm non Khánh Khê tham gia hội thi an toàn giao thông. Ảnh NTCC.

Chú trọng đến công tác bồi dưỡng giáo viên

Cô Lã Hương Giang, Hiệu Trường Mầm non Khánh Khê (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, nhiều năm qua để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ mầm non nhà trường đã tham mưu với các cấp đầu tư, bổ sung kinh phí đồ dùng bán trú, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các nhóm lớp.

Chỉ đạo giáo viên rà soát, bổ sung các nội dung mới vào kế hoạch của lớp, lựa chọn mục tiêu phù hợp đối tượng của trẻ và phù với bối cảnh địa phương; chú trọng lồng ghép giáo dục kĩ năng sống, tăng cường Tiếng Việt… vào các hoạt động trong ngày của trẻ.

Song song với đó, nhà trường chú trọng đến công tác bồi dưỡng giáo viên, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, hội thảo, hội giảng… cấp trường, tăng cường công tác dự giờ giáo viên nhằm giúp giáo viên nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Trường Mầm non Khánh Khê còn thực hiện phong trào giáo viên giúp đỡ giáo viên; giáo viên giúp đỡ học sinh.

Để trẻ được trải nghiệm nhiều, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thi, hoạt động tham quan, trải nghiệm linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như trải nghiệm thăm cánh đồng lúa, trải nghiệm làm bưu thiếp tặng bà tặng mẹ, trải nghiệm trang trí mâm cỗ trung thi, Hội thi bé yêu Tiếng Việt,….

Đồng thời, tích hợp trong chương trình giáo dục về giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội; giáo dục an toàn giao thông; thực hiện lồng ghép, tích hợp nhẹ nhàng giáo dục dinh dưỡng cho trẻ thông qua các trò chơi, hội thi và đưa ra các tình huống cho trẻ qua đó trẻ sẽ được quan sát, được trải nghiệm, tư duy và lĩnh hội kiến thức kĩ năng một cách nhẹ nhàng và phù hợp với đặc điểm của trẻ mầm non là học mà chơi- chơi mà học.

“Qua áp dụng phương thức đổi mới giáo dục tôi nhận thấy trẻ hứng thú, tích cực và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, mạnh dạn, tự tin thể hiện bản thân”, cô Giang chia sẻ.

Thiết kế chương trình phù hợp

Trường Mầm non Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) luôn chú trọng đến công tác đổi mới chương trình giáo dục để nâng cao chất lượng cho trẻ.

Theo đó, nhà trường đã phân công đội ngũ dựa trên năng lực sở trường để giảng dạy; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, xác định việc thay đổi chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các nội dung giáo dục trẻ phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng trẻ và điều kiện thực tế từng điểm trường.

Quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục, giáo viên được tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận và đi đến thống nhất nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho giáo viên linh hoạt trong tổ chức các hoạt động cho trẻ.

Nhà trường khuyến khích giáo viên ứng dụng các phương pháp giáo dục mới, đánh giá. Đặc biệt, đề xuất khen thưởng với giáo viên có nhiều cố gắng, có sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Một tíết học của cô trò Trường Mầm non Nậm Chảy. Ảnh NVCC.

Một tíết học của cô trò Trường Mầm non Nậm Chảy. Ảnh NVCC.

Cô Sền Thị Thơm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi luôn đổi mới, vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, áp dụng hiệu quả thiết bị dạy học và đồ dùng tự làm nhất là đồ dùng công nghệ thông tin trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chỉ đạo giáo viên tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm ở đồng nghiệp, thực hiện tốt việc dạy học lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức hoạt động trải nghiệm, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của trẻ”.

Ngoài ra, Trường Mầm non Nậm Chảy còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế được tổ chức phong phú với nhiều chủ đề khác nhau nhằm đưa các hoạt động thực tiễn được áp dụng vào giảng dạy thông qua các phương pháp: trò chuyện, đàm thoại, đóng vai, trải nghiệm….

Ví dụ: chủ đề nghề nghiệp trẻ trải nghiệm đồn biên phòng Nậm Chảy; trải nghiệm bé tập làm cô giáo, bé tập làm nội trợ, … Chủ đề trường tiểu học trẻ tham quan Trường PTDTBT tiểu học xã Nậm Chảy.

“Qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, môi trường hoạt động theo hướng mở, trẻ rất hứng thú tích cực tham gia vào hoạt động. Trẻ lĩnh hội kiến thức mà không bị nhàm chán”, cô Sền Thị Thơm cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ