Tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn bán trú

GD&TĐ - Khẩu phần ăn trong bữa ăn bán trú không đảm bảo đã dấy lên những lo ngại của phụ huynh về quy trình kiểm soát chất lượng bữa ăn tại các trường.

Giáo viên trường Mầm non thị trấn Đu, huyện Phú Lương chia khẩu phần ăn cho học sinh.
Giáo viên trường Mầm non thị trấn Đu, huyện Phú Lương chia khẩu phần ăn cho học sinh.

Nhiều bất cập trong tổ chức bữa ăn học đường

Năm học 2024-2025, tỉnh Thái Nguyên có 677 trường học từ cấp mầm non đến THPT, trong đó có trên 330 trường tổ chức bán trú cho học sinh, phần lớn là các trường mầm non, tiểu học.

Trên thực tế, việc tổ chức bán trú của các trường chủ yếu dựa trên nhu cầu và đăng ký của phụ huynh học sinh. Đối với các trường mầm non, do thực hiện song song nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ nên các bữa ăn bán trú tại trường do các nhân viên nấu ăn thực hiện.

Còn tại các trường tiểu học, hiện nay các suất ăn bán trú phần lớn được các trường ký hợp đồng với công ty, tổ chức hoặc tư nhân để cung cấp suất ăn, hoặc các trường hợp đồng với các đơn vị để tiếp nhận nguyên liệu, thực đơn và nấu ăn ở bên ngoài hoặc nấu tại bếp ăn của trường.

Tuy nhiên, theo đại diện các nhà trường, việc mua suất ăn hay tự nấu ăn bán trú tại trường cũng đều bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Những ngày qua, nhiều phụ huynh có con đang học tại một số trường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã phản ánh lên mạng xã hội hoặc nhóm phụ huynh của trường, của lớp về những bất cập trong bữa ăn bán trú của học sinh.

1-suat-an-cho-hoc-sinh-tai-1-truong-mam-non-tren-dia-ban-tp-thai-nguyen-duoc-dua-len-mang-xa-hoi-trong-nhung-ngay-qua-8848.jpg
Một suất ăn của học sinh tại một trường mầm non trên địa bàn TP Thái Nguyên được đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua.

Trong đó, các ý kiến phản ánh về chất lượng bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Điều này đã gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội, khiến nhiều phụ huynh học sinh lo lắng về quy trình kiểm soát chất lượng bữa ăn tại các nhà trường.

Cô Nguyễn Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương TP Thái Nguyên chia sẻ: Khi các bữa ăn được chế biến tại nhà trường thì việc giám sát sẽ trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên hiện nay các suất ăn do nhà cung cấp chuyển từ nơi khác đến thì nhà trường cũng phải tích cực giám sát để đảm bảo chất lượng các bữa ăn cho học sinh.

Bà Ngô Thị Quyên, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thái Nguyên chia sẻ: Việc cung cấp suất ăn trong những ngày qua chưa được như mong muốn của phụ huynh cũng như với các nhà trường, chính vì vậy phòng GD&ĐT đã có sự nhắc nhở cũng như kiểm tra đối với các trường đang thực hiện ăn bán trú cho học sinh.

Cần tăng cường công tác giám sát về chất lượng, số lượng suất ăn

Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên cho biết: Trong khi chờ thực hiện hướng dẫn việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh các trường thì chúng tôi vẫn tổ chức ăn bán trú tuy nhiên nhà trường vẫn đang vận dụng các quy trình được triển khai từ năm học 2023 – 2024 để thực hiện.

Chưa nói đến những bất cập trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bữa ăn bán trú, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, việc lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm hay chế biến suất ăn tại trường học hiện nay còn thiếu công khai minh bạch, các thông tin về thực đơn bữa ăn bán trú hàng tuần, hàng tháng của các học sinh chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Chị Nguyễn Thị Hảo, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Năm học này giá của mỗi suất ăn không thay đổi, tuy nhiên phụ huynh rất mong muốn chất lượng của các suất ăn phải được đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng cho học sinh.

bua-an-tai-truong-tieu-hoc-5514.jpg
Nhiều phụ huynh bức xúc đăng lên nhóm lớp về khẩu phần ăn của con mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Bình, Thái Nguyên chia sẻ: Để tạo điều kiện cho phụ huynh trong việc đưa đón con em phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh ăn bán trú như năm học 2023 – 2024 và phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện cũng như chất lượng bữa ăn theo đúng quy định.

Như vậy, để học sinh được thụ hưởng bữa ăn đảm bảo chất lượng, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, việc giám sát chất lượng, số lượng suất ăn hoặc nguồn thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến bữa ăn phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trên tinh thần công tâm, khách quan, tránh hình thức và có hình thức xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.

Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và các cơ sở giáo dục, sự tham gia giám sát của các bậc phụ huynh, từ đó giúp học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ