Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Trường Mầm non Khánh Khê luôn nỗ lực để trẻ đến trường đúng độ tuổi, những trẻ có gia đình khó khăn được hỗ trợ an tâm đến lớp.

Cô trò Trường Mầm non Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NT.
Cô trò Trường Mầm non Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NT.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc

Đó là chia sẻ của cô Lã Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Cô Giang nói: “Để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non cũng như công tác chăm sóc, giáo dục trẻ nhà trường đặc biệt chú trọng đến chất lượng của đội ngũ giáo viên.

Trong những năm gần đây, đội ngũ giáo viên của Trường Mầm non Khánh Khê có trình độ đạt chuẩn đào tạo trở lên, chính vì thế cũng là một lợi thế giúp giáo viên thay đổi phương pháp dạy nhằm giúp trẻ có thể thích ứng nhanh với môi trường giáo dục.

Trong công tác chuyên môn, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn có tinh thần học hỏi, tự học và rèn luyện; tham gia đầy đủ các buổi tập huấn; các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ do nhà trường và ngành giáo dục tổ chức.

Tăng cường thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy cũng như công tác chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt là trong việc xây dựng môi trường học, trải nghiệm khám phá cho trẻ.

Giáo viên luôn phải lấy trẻ làm trung tâm, lựa chọn nội dung mới mẻ, phù hợp; chủ động sáng tạo hơn trong việc làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo; trang trí nhóm lớp, luôn ưu tiên lựa chọn những nguyên, vật liệu có sẵn ở địa phương xây dựng môi trường, làm đồ chơi tự tạo, trang trí nhóm lớp.

Cô Giang cũng nhấn mạnh: “Trong các hoạt động hàng ngày tại trường mầm non, giáo viên luôn gần gũi, yêu thương, tôn trọng trẻ; tạo mối quan hệ thân thiết để trẻ có cảm giác an toàn khi đến lớp; thường xuyên trò chuyện với trẻ bằng tiếng Việt, hạn chế sử dụng tiếng địa phương giao tiếp với trẻ. Xây dựng các góc tăng cường tiếng Việt cho trẻ được trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi.

Chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên lựa chọn những hình ảnh của địa phương; lễ hội truyền thống; món ăn đặc sản; trang phục truyền thống dân tộc… để xây dựng môi trường học tiếng Việt cho trẻ; giúp trẻ tìm hiểu các phong tục tập quán của địa phương và mạnh dạn tự tin khi giao tiếp tiếng Việt”.

“Giáo viên phải làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ cũng như các hoạt động trong ngày của trẻ tại trường. Tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh thông qua các giờ đón, trả trẻ; qua các nhóm như facebook, zalo… nhằm giúp phụ huynh nắm bắt, tiếp cận nhanh với thông tin của trường lớp”, cô Lã Hương Giang cho biết.

Thực hiện tốt thông tin hai chiều

Tại Trường Mầm non Khánh Khê, đặc biệt quan tâm đến học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức rà soát, nắm bắt thông tin về hoàn cảnh gia đình của mỗi trẻ.

“Đối với những trẻ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhà trường sẽ đưa ra những biện pháp để hỗ trợ, giúp đỡ. Hàng năm, nhà trường xây dựng chương trình “Hũ gạo tình thương”, theo đó những trẻ nào có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà trường giúp đỡ hỗ trợ”, cô Giang cho biết.

Trường Mầm non Khánh Khê hỗ trợ cho học sinh nghèo. Ảnh NT.
Trường Mầm non Khánh Khê hỗ trợ cho học sinh nghèo. Ảnh NT.

Riêng đối với những trẻ thuộc diện hộ nghèo, chúng tôi chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt thông tin hai chiều với gia đình trẻ; khi trẻ nghỉ học, ốm đau hoặc có điều gì bất thường cần báo cáo ngay cho ban giám hiệu để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Trong dịp đầu năm học mới, Tết trung thu; Tết Nguyên đán hay các dịp lễ khác nhà trường đều có những món quà như: tiền, vật chất như: áo quần, gạo, chăn ấm… để tặng các em.

Ví dụ trong năm học 2021-2022, gia đình em Hà Ái Diệp bị hỏa họa cháy rụi cả nhà, bố bị bỏng nặng; hai chị em cũng bị bỏng. Trước tình hình đó nhà trường đã kêu gọi phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, phòng giáo dục và các mạnh thường quân ủng hộ được hơn 34 triệu đồng để hỗ trợ gia đình.

“Chúng tôi cũng đặc biệt nhắc nhở giáo viên ở các lớp, phải luôn quan tâm, sát sao với trẻ không để trẻ đến trường cảm thấy tự tin hay biệt lập vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Luôn tạo môi trường thân thiện để trẻ được vui chơi, học hành một cách tốt nhất, phụ huynh cũng an tâm khi gửi con đến trường”, cô Giang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ