Thời cơ và thách thức lớn
Ngày 7/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo năm 2024 với chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội thảo.
Cùng dự có đại diện Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD&ĐT; lãnh đạo và chuyên viên các cơ sở giáo dục đại học; một số nhóm nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành GD là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tạo bước phát triển bứt phá của ngành. Bởi, không có ngành nào chịu ảnh hưởng, chịu tác động của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo như ngành GD; đồng thời, GD cũng là ngành được hưởng lợi từ những tác động này.
Bên cạnh chịu tác động, được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số, ngành GD có sứ mạng lớn đó là đào tạo nhân lực, nhân tài, bồi dưỡng nâng cao kiến thức hiểu biết về công nghệ số cho người dân. Với nhiệm vụ đó, ngành GD cần tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, nâng cao kĩ năng số cho người dân.
Từ năm 2022, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Trong quá trình triển khai đề án, ngành GD đã vượt qua đại dịch Covid-19, tạo ra động lực xung lực cho toàn ngành để có thay đổi quan trọng.
Việc chuyển đổi từ dạy trực tiếp sang trực tuyến đã thể hiện năng lực của ngành trong thích ứng, đáp ứng yêu cầu biến động trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi quan trọng nhưng chưa thể gọi là chuyển đổi số trong ngành. Để thực hiện chuyển đổi số phải bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức quản lý giáo dục, quản trị nhà trường và trong việc dạy học.
Minh chứng cho việc chuyển đổi số thành công, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lấy ví dụ về quy trình đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các trường đại học trong những năm gần đây. Quy trình này được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, từ thực hiện xét tuyển, thông báo kết quả, xử lý nguyện vọng. Việc chuyển đổi đã tạo thuận lợi rõ ràng cho người học và các nhà trường.
Trong bối cảnh mới, trước sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, của trí tuệ nhân tạo, ngành GD-ĐT đang đứng trước thời cơ và thách thức to lớn. Đặc biệt giai đoạn tới, các tập đoàn nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt Nam các dự án lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số. Việt Nam đang có cơ hội lớn, có thế mạnh, được các tập đoàn nước ngoài đánh giá cao. Một trong những thế mạnh đó là con người.
Bên cạnh việc chuyển đổi số trong ngành, ngành GD-ĐT, đặc biệt là GD đại học có nhiệm vụ quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số. Nếu làm tốt việc này, ngành GD sẽ tạo điều kiện thu hút các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư, qua đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Gợi mở một số vấn đề cần được tập trung bàn luận tại hội thảo, Thứ trưởng cho biết, chủ đề của hội thảo hôm nay khác với mọi năm. Mọi năm, hội thảo thường đề cập đến vấn đề làm thế nào để chuyển đổi số, ứng dụng CNTT. Năm nay, chủ đề rộng hơn, đó là làm thế nào để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số, làm thế nào để nâng cao năng lực số cho người dân.
Vai trò quan trọng của ngành giáo dục
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành GD-ĐT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã ban hành mới nhiều văn bản nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Từ năm 2022, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS).
Đến nay đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở giáo dục đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học. Đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên ra trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất.
Dữ liệu trên cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học được sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác báo cáo, thống kê về giáo dục đại học, được sử dụng thống nhất trong toàn ngành, đảm bảo tính tổng thể đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu công khai của các đại học, học viện, trường đại học.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Nhận thức về xu hướng của chuyển đổi số, ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học quan tâm đầu tư triển khai chuyển đổi số, cách thức triển khai ngày càng bài bản, có hệ thống hơn nên đã phát huy được hiệu quả trong công tác quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học và bảo đảm nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hiện nay Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành khung năng lực số cho người học từ mầm non đến đại học, bao gồm năng lực ứng dụng AI nhằm nâng cao năng lực số cho người học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Dự kiến các Đề án và khung năng lực số nói trên sẽ được triển khai ngay từ năm 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục và các tổ chức, doanh nghiệp đã trình bày các tham luận, báo cáo về các mô hình giáo dục đại học số, mô hình quản trị, ứng dụng và phát triển nhân lực AI, phát triển năng lực số và triển khai bình dân học vụ số; trao đổi, thảo luận về các kinh nghiệm, giải pháp, kiến nghị thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo ở lĩnh vực giáo dục đại học.