Tăng cường đào tạo năng lực tiếng Pháp cho sinh viên

GD&TĐ - Sáng 13/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo về Pháp ngữ khoa học và các đối tác Pháp ngữ tại Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ có văn phòng đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ năm 1992. Cho tới nay, đã có hơn 60 trường đại học của Việt Nam là thành viên

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, Việt Nam có quan hệ với Tổ chức đại học pháp ngữ (AUF) lâu dài và bền chặt. “Chúng tôi đánh giá cao các hoạt động của AUF. Hiện Việt Nam có 60 trường đại học tham gia thành viên của tổ chức này” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay.

AUF đã phối hợp, thực hiện các dự án nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, phát triển đại học như: giai đoạn 2018 – 2022. Những năm gần đây, giáo dục đại học Việt Nam phát triển nhanh, nhiều trường lọt vào bảng xếp hạng của châu Á và thế giới.

Xu hướng chung của giáo dục đại học tăng cường hợp tác lẫn nhau; trong đó có quản trị đại học. Rất mong, các trường đại học trong cộng đồng pháp ngữ chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi sinh viên...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, hoạt động ngoại giao theo hướng đa phương và học thuật. Các đại biểu cũng đánh giá cao những dự án điểm quan trọng của AUF; trong đó có sáng kiến câu lạc bộ sinh viên Pháp ngữ, thiết thực. Tất cả đều dựa trên giáo dục chất lượng giáo dục cao và chính sách giáo dục tốt.

Liên quan đến việc phối hợp với nền văn hóa khác, phía AUF khẳng định tôn trọng, lựa chọn văn hóa của các thành viên. Tiếng Pháp mang đến cơ hội lớn, tiếp cận khoa học công nghệ trên thế giới.

Các trường đại học cần tăng cường đào tạo năng lực làm việc cho sinh viên. Theo đó, AUF cần quan hơn đến diễn đàn về học tiếng Pháp; có nhiều chương trình học tiếng Pháp, có thể đào tạo cho sinh viên học tiếng Pháp giữa các trường đại học, có thể tổ chức các chương trình hướng nghề nghiệp, để sinh viên có thể tìm được việc làm bằng tiếng Pháp.

Đại diện AUF trao đổi tại hội thảo.

Đại diện AUF trao đổi tại hội thảo.

Theo Thứ trưởng, những hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên rất là tốt. Cần tăng cường quảng bá để phụ huynh, sinh viên biết được tiềm năng, cơ hội khi học tiếng Pháp. Nếu không chọn tiếng Pháp là ngoại ngữ 1 thì có thể chọn ngoại ngữ 2.

Căn cứ Tuyên ngôn ngoại giao khoa học Pháp ngữ của AUF, Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ thảo luận với AUF với các nội dung sau: Tăng cường kết nối mạng lưới chính trị - khoa học; Tăng cường thúc đẩy mạng lưới chuyên gia khoa học Pháp ngữ; Thể chế hóa các hoạt động trao đổi nhân lực Pháp ngữ, trao đổi giảng viên và sinh viên; Tham gia tích cực hơn nữa vào các chương trình dành cho nhà quản lý, nhà lãnh đạo giáo dục; Thúc đẩy việc xuất bản các ấn phẩm khoa học bằng tiếng Pháp; Chuẩn hóa chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp ngữ; Phổ biến ứng dụng công nghệ số trong giáo dục; Phát triển năng lực nghề nghiệp và khởi nghiệp của giới trẻ; Chuyên nghiệp hóa đội ngũ giảng viên và hệ thống bằng cấp.

Bản Tuyên ngôn ngoại giao khoa học Pháp ngữ của AUF chính là chiến lược hành động của AUF trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Bản Tuyên ngôn đưa ra một phương pháp luận về mối liên hệ giữa khoa học và chính trị, giữa các nhà khoa học và các chính trị gia, giữa việc phát triển các dự án về giáo dục đại học trong khối Pháp ngữ với các chính sách về giáo dục của các nước.

Nếu như trong ngoại giao văn hóa - văn hóa là yếu tố thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hợp tác, thì trong ngoại giao khoa học – khoa học là yếu tố thúc đẩy sự hợp tác trong giáo dục đại học, là yếu tố thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.

Các ưu tiên của AUF tập trung vào 5 nội dung lớn: Chuyển đổi số và quản trị đại học; Cơ hội việc làm và khởi nghiệp; Mạng lưới và hợp tác quốc tế; Đào tạo giáo viên, giảng viên và đổi mới sư phạm; Nghiên cứu và tôn vinh kết quả nghiên cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ