Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2023

GD&TĐ - Lượng du khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 được dự báo khoảng 8 triệu lượt, do đó, việc giữ gìn ANTT, ATGT...đã được Phú Thọ chuẩn bị chu đáo.

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng của 7 xã, thị trấn năm 2023.
Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng của 7 xã, thị trấn năm 2023.

Sẵn sàng phương án phòng ngừa

Cùng với hệ thống chính trị địa phương, để mùa Lễ hội Hùng Vương 2023 diễn ra an toàn, vui tươi, văn minh, cần trách nhiệm của từng người dân và du khách. Đó là việc chấp hành các quy định của Ban tổ chức lễ hội; không coi lễ hội là dịp kinh doanh, cơ hội để “moi tiền” của du khách; giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bỏ rác đúng nơi quy định; không tụ tập đua xe, chú ý bảo đảm an toàn giao thông cho bản thân và người xung quanh; không ăn mặc phản cảm, xô đẩy trong đám đông.

Đối với mỗi người dân nước Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Năm 2023, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra từ ngày 20 đến 29/4 (tức mùng 1 - 10 tháng 3 âm lịch) được tỉnh Phú Thọ tổ chức gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, gồm nhiều hoạt động phong phú, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ.

Trong dịp này, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Đại diện Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, chỉ trong hai ngày cuối tuần 22 - 23/4 (tức ngày 3 - 4/3 Quý Mão) đã có hơn 500.000 lượt đồng bào, du khách hành hương về Đền Hùng và tham gia các hoạt động lễ hội.

Với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông để phục vụ du khách bốn phương về tham gia lễ hội.

Thiếu tá Lê Xuân Tú, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ, cho biết: Lực lượng CSGT, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã sẵn sàng đảm bảo an toàn giao thông trước và trong thời gian diễn ra lễ hội. Đặc biệt, huy động 100% quân số đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự tại các chốt, tuyến đường từ ngày 25/4, tức 6/3 âm lịch.

Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi cờ bạc, trộm cắp, móc túi, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các huyện, thành thị tăng cường rà soát, thường xuyên kiểm danh, kiểm diện các đối tượng trong diện quản lý.

Đồng thời, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố lên danh sách các đối tượng hình sự hoạt động lưu động để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để các đối tượng lợi dụng lễ hội thực hiện hành vi phạm tội.

Công an tỉnh Phú Thọ còn bố trí trinh sát hóa trang tại các đền, điểm tập trung đông du khách. Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm chính trong việc tiến hành kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách chấp hành chính sách pháp luật, nội quy, quy chế lễ hội, đồng thời kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngoài kiểm tra, đoàn liên ngành còn tuyên truyền các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội cam kết thực hiện kinh doanh đúng pháp luật và niêm yết công khai giá bán các loại hàng hóa, giá các dịch vụ.

Theo ghi nhận, mặc dù chưa phải là những ngày cao điểm của đợt lễ hội, nhưng lượng du khách đến hành hương, tham gia lễ hội đông. Du khách tham gia trong trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy.

Để lễ hội văn minh, an toàn

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay được tổ chức gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch, thu hút đông đảo du khách về tham quan và dâng hương, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống cũng sẽ tăng theo. Do đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các ngành chức năng chú trọng.

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đặc biệt là dịch vụ ăn uống.

Các nhà hàng, quán ăn tích cực dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, không gian thoáng mát; chủ động nguồn hàng phong phú, chất lượng đảm bảo để phục vụ khách hàng, tạo ấn tượng cho du khách khi về tham quan dâng hương.

Bác sĩ Đinh Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Việt Trì, cho biết: Để bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn thành phố Việt Trì và xã Hy Cương - nơi diễn ra lễ hội.

Cùng với đó, cơ quan hữu trách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống kiến thức, kỹ năng khi lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm; cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho người kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

Trước đó, để bảo đảm cảnh quan, môi trường sạch đẹp Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã triển khai kiểm tra, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời các cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện cần thiết như: Hệ thống tăng âm, loa đài, các bảng điện tử; hệ thống camera an ninh; hệ thống cung cấp nước sạch, điện chiếu sáng, các công trình công cộng.

Khu di tích đã sửa chữa 30 km các tuyến đường nội bộ; lắp đặt bổ sung biển chỉ dẫn, hướng dẫn trên các tuyến đường vào di tích và các biển báo tại những khu vực nguy hiểm.

Cơ quan quản lý cũng đã kiểm tra, sửa chữa, xây dựng mới 20 nhà vệ sinh công cộng; cắt tỉa, trồng bổ sung hoa, cây cảnh; trang trí cảnh quan, tuyên truyền trực quan với hơn 500 cờ Tổ quốc, hồng kỳ, cờ hội treo ở các khu vực trong khu di tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.