Chỉ thị nêu rõ những hạn chế, tồn tại, chưa chấp hành đúng các quy định của nhà nước về quản lý tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản. Để khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời tăng cường công tác quản lý tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:
Chấp hành các chế độ báo cáo
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo nội dung, hình thức và đầy đủ biểu mẫu theo quy định, trong đó:
Đối với báo cáo xây dựng dự toán: Căn cứ các quy định hiện hành, các đơn vị chủ động xây dựng Báo cáo dự toán thu chi ngân sách của đơn vị mình,hoàn thành trước 15/6 hàng năm và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/6 để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính trước 20/7.
Đối với báo cáo quyết toán ngân sách: Các đơn vị cần thực hiện khóa sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo đúng quy định và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 31/3 năm sau để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác xét duyệt, thẩm định quyết toán, tổng hợp gửi Bộ Tài chính theo quy định.
Tăng cường quản lý thu, chi và các trung tâm, đơn vị trực thuộc
Về thu học phí, lệ phí: Các đơn vị cần thực hiện đúng nội dung và mức thu được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ; Nghị định số 74/2013/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT và Thông tư liên tịch số 25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT.
Không được thanh toán tiền làm thêm giờ cho cán bộ nhân viên dự án, trừ trường hợp giao việc ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao, rà soát hạn chế tối đa việc tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo không thật sự cần thiết.
Về quản lý nguồn thu: Các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện thống nhất quản lý nguồn thu của các trung tâm, các đơn vị trực thuộc về một đầu mối tại Ban (Phòng) Kế hoạch tài chính của đơn vị để kiểm soát thu, chi.
Về quản lý các khoản chi: Các đơn vị cần rà soát lại Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, bổ sung cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về tài chính mới ban hành thời gian qua, bổ sung các nội dung, định mức còn thiếu để làm căn cứ chi tiêu tại đơn vị.
Bổ sung các quy định về trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thực hiện cải cách tiền lương, quỹ học bổng cho sinh viên… đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.
Về quản lý các chương trình, dự án ODA: Các đơn vị cần thường xuyên đánh giá hiệu quả công việc của từng vị trí nhân sự của dự án để điều chỉnh, cắt giảm hay gia hạn cho phù hợp. Không tuyển dụng những vị trí chưa cần thiết, không được thuê chuyên gia tư vấn vượt quá thời gian so với nhu cầu công việc;
Rà soát sắp xếp lại hệ số lương cho lao động hợp đồng theo đúng quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Tăng cường quản lý các trung tâm, các đơn vị trực thuộc trên cơ sở xét duyệt dự toán, quyết toán, quản lý thống nhất thu chi, hướng dẫn các trung tâm, đơn vị trực thuộc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đúng quy định.
Về chuyển số dư kinh phí ngân sách cuối năm: Các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao, hoàn tất thủ tục giải ngân, thanh quyết toán dứt điểm kinh phí với ngân sách nhà nước, tránh tình trạng để số dư ngân sách cuối năm lớn phải xét duyệt chuyển năm sau.
Đối với các nhiệm vụ, chương trình, đề tài, dự án không kịp giải ngân, thanh quyết toán kinh phí với ngân sách, các đơn vị phải báo cáo số dư về Bộ GD&ĐT đúng thời hạn quy định và đảm bảo đủ hồ sơ, số liệu chính xác, không đề nghị xét chuyển các nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc hết thời gian thực hiện và các nhiệm vụ đương nhiên được chuyển năm sau theo quy định.
Các ĐH vùng phải chủ động yêu cầu các đơn vị thành viên báo cáo số dư sớm để tổng hợp báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng thời gian quy định.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị
Đối với việc tạm ứng, thanh toán hợp đồng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
Thủ trưởng các đơn vị hành chính, sự nghiệp, giám đốc các Ban quản lý dự án ODA trực thuộc Bộ cần tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, kịp thời hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán gửi đến cơ quan kho bạc nhà nước để giải ngân vốn đầu tư theo hướng dẫn tại công văn số 10726/BTC-ĐT ngày 04/08/2014 của Bộ Tài chính.
Đối với thủ tục trình duyệt các dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ.
Công tác quyết toán các dự án hoàn thành
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan cần thực hiện việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo đúng quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và Thông tư số 19/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Từ năm 2014 trở đi, Bộ GD&ĐT không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên; không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán số vốn còn thiếu cho các dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 12 tháng trở lên;
Không cho phép nhà thầu đang có hợp đồng vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán hợp đồng được tham gia đấu thầu dự án mới.
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước đã hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2005 đến nay chưa thực hiện quyết toán;
Xác định rõ nguyên nhân chậm quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng đơn vị, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, báo cáo lãnh đạo Bộ để khẩn trương xử lý dứt điểm; chịu trách nhiệm toàn bộ về việc quyết toán dự án hoàn thành theo quy định.
Đối với các dự án hoàn thành chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải báo cáo rõ nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan để cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm.
Hồ sơ quyết toán tất cả các dự án đã hoàn thành từ trước đến năm 2013 phải hoàn tất thủ tục trước ngày 31/12/2014.
Công tác quản lý đất đai, tài sản
Các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Các đơn vị phải thực hiện mua sắm, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu; định kỳ thực hiện kiểm kê tài sản, theo dõi phản ánh tình hình biến động tăng giảm của tài sản trên sổ sách kế toán theo quy định;
Nhập đầy đủ dữ liệu tài sản vào Phần mềm “Quản lý đăng ký tài sản nhà nước”, đối chiếu, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung kịp thời tình hình tăng, giảm tài sản tại đơn vị mình theo quy định.
Các đơn vị phải thực hiện quản lý và sử dụng xe công theo đúng quy định của nhà nước, ban hành tiêu chuẩn sử dụng xe công, định mức nhiên liệu trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, không được sử dụng xe công vào mục đích cá nhân.