Tăng cường chất lượng công tác văn phòng ngành GD-ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An tặng hoa chúc mừng các tân Chánh Văn phòng sở GD-ĐT
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An tặng hoa chúc mừng các tân Chánh Văn phòng sở GD-ĐT

Hội nghị đã lắng nghe các ý kiến, báo cáo chuyên đề nhằm đưa ra những định hướng, giải pháp tăng cường chất lượng cho công tác văn phòng ngành GD-ĐT.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Hải An biểu dương và đánh giá cao sự tích cực, chủ động tham mưu của các lãnh đạo khối văn phòng từ cấp Bộ tới cấp sở trong năm học 2018-2019. 

Đồng thời, Thứ trưởng Lê Hải An lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác văn phòng năm học 2019-2020 là nâng cao chất lượng công tác quản lý; thực hiện tốt vai trò tham mưu, tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ và tình hình GD-ĐT của ngành; tăng cường công tác truyền thông ngành giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành, xây dựng Chính phủ điện tử; nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, nhân viên làm công tác văn phòng …

Bên cạnh việc biểu dương các thành tích đã đạt được, Thứ trưởng Lê Hải An mong muốn lắng nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những hạn chế tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ của khối văn phòng để cùng tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả nhất. 

Theo Thứ trưởng Lê Hải An, văn phòng là đơn vị có chức năng phức tạp, vừa là đơn vị giúp việc cho lãnh đạo Bộ và lãnh đạo sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa là đơn vị làm nhiệm vụ bao quát, triển khai, đôn đốc các kế hoạch, hoạt động chung của cơ quan. Nhân sự thuộc khối văn phòng cũng có trình độ không đồng đều nên việc quản lý, triển khai nhiệm vụ đòi hỏi có sự nỗ lực rất lớn của các đồng chí lãnh đạo văn phòng từ cấp sở đến cấp Bộ.

Toàn cảnh hội nghị
 Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, năm học  2018 -2019, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Văn phòng các sở GD-ĐT tham mưu cho Bộ trưởng, Ban Giám đốc Sở, xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch ngành giáo dục. Công tác tiếp nhận, xử lý, ban hành văn bản được thực hiện đúng quy trình và thẩm quyền; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.  

Hội nghị đã lắng nghe các báo cáo chuyên đề liên quan đến công tác Văn phòng GD-ĐT: Công tác tham mưu, tổng hợp và thực hiện chế độ báo cáo của văn phòng sở GD-ĐT; Ứng dụng CNTT trong công tác văn phòng sở GD-ĐT; Công tác thông tin truyền thông về GD-ĐT; Công tác thi đua khen thưởng trong GD-ĐT… cùng nhiều ý kiến, giải pháp đến từ đại diện các Văn phòng sở GD-ĐT. 

Chú trọng đẩy mạnh truyền thông trong GD-ĐT

TS Nguyễn Viết Lộc – Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị
 TS Nguyễn Viết Lộc – Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị

Năm học 2018-2019, Văn phòng Bộ GD&ĐT phối hợp với các sở GD-ĐT triển khai Kế hoạch số 142/KH-BGDĐT ngày 26/2/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch truyền thông về GD-ĐT năm 2019 và Kế hoạch số 298/KH-BGĐT ngày 03/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tuyên truyền xử lý các vấn đề truyền thông về giáo dục trung học.

Nhiều sở GD-ĐT thường xuyên cập nhật thông tin, chỉ đạo của ngành Giáo dục trên cổng thông tin điện tử của Sở; xây dựng quan hệ gắn bó với biên tập viên, phóng viên chuyên về giáo dục của các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại địa phương, phối hợp Đài phát thanh truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại các tỉnh, thành phố nhằm cung cấp thông tin của Bộ, của tỉnh, đảm bảo tương tác hai chiều giữa cơ quan quản lý giáo dục và nhân dân.

Một số sở GD-ĐT (Hà Nội, TP.HCM, Hòa Bình, Bình Dương, Bắc Giang, Bình Phước, Quảng Trị, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Lào Cai, Nam Định…) đã triển khai ký chương trình phối hợp về công tác truyền thông GD-ĐT trên địa bàn tỉnh với cơ quan truyền thông.

Bên cạnh những thành quả, Báo cáo của Văn phòng Bộ cũng chỉ ra một số điểm hạn chế về công tác truyền thông trong thời gian qua. Sự chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông chưa đồng đều trong toàn ngành và ở các đơn vị; công tác phối hợp với các cơ quan báo chí vẫn còn chưa thật hiệu quả; công tác xử lý thông tin phản hồi chưa kịp thời.

Theo TS Nguyễn Viết Lộc – Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, truyền thông ở lĩnh vực GD hiện nay nay như tờ giấy trắng có một điểm đen. Tuy nhiên, tâm lý truyền thông thường chú trọng khai thác các điểm đen, trong khi đó những điểm tốt của ngành có rất nhiều thì ít được khai thác. Do đó, TS Lộc đề nghị các văn phòng sở GD-ĐT cần chú trọng đẩy mạnh truyền thông các nỗ lực, những tấm gương điển hình, những mô hình hay, những tín hiệu tích cực của ngành GD-ĐT.

Đại diện Văn phòng Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đề nghị cần tăng cường công tác tập huấn về truyền thông cho cán bộ chủ chốt của các trường về các vấn đề cơ bản của công tác truyền thông, cách thức thức viết bài gửi báo…

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo GD&TĐ chia sẻ tại hội nghị
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo GD&TĐ chia sẻ tại hội nghị

Đồng quan điểm này, nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo GD&TĐ chia sẻ, trong thời gian qua Báo GD&DT đã kết nối với nhiều Sở GD-ĐT để tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông của ngành. Tuy nhiên, bên cạnh các sở GD-ĐT nhận thức đúng vai trò quan trọng của truyền thông đối với ngành thì một số sở GD-ĐT vẫn còn những góc nhìn hạn chế... Một số nơi, sở GD-ĐT đã triển khai văn bản đẩy mạnh công tác truyền thông nhưng xuống cấp phòng GD thì bị ách lại, không được triển khai, hoặc triển khai theo hình thức cho có.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm đề xuất lãnh đạo các văn phòng sở trong thời gian tới tham mưu để lãnh đạo sở ký kết các văn bản hợp tác với báo GD&TĐ. Đồng thời, Báo GD&TĐ sẽ hỗ trợ các sở trong việc tập huấn, xử lý các khủng hoảng trong công tác truyền thông cho cán bộ chủ chốt của các cơ sở GD trên địa bàn. 

Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác Văn phòng GD-ĐT trong năm học 2019 – 2020:
- Nâng cao chất lượng công tác quản lý, thực hiện tốt vai trò tham mưu, tổng hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ và tình hình GD-ĐT của ngành;
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính;
- Tăng cường công tác truyền thông ngành GD;
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành, xây dựng Chính phủ điện tử;
- Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, nhân viên làm công tác Văn phòng;
- Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ