Những biện pháp khơi gợi kiến thức nền được chị Nguyễn Thị Như Hạnh chia sẻ như sau:
Sử dụng chiến lược K - W – L
Giải thích thuật ngữ KWL, chị Hạnh cho biết: K (Know) là những điều đã biết; W (Want) - những điều muốn biết và L (Learned) là những điều đã học được
KWL là sơ đồ liên hệ giữa các kiến thức đã biết liên quan đến bài học (K), các kiến thức muốn biết (W) và các kiến thức học được sau bài học (L).
Để thực hiện pháp này, bước đầu tiên, giáo viên phát phiếu học tập KWL (với 3 cột những điều đã biết, những điều muốn biết và những điều đã học được) sau khi giới thiệu bài học và mục tiêu cần đạt của bài học.
Sau đó, hướng dẫn học sinh điền các thông tin vào phiếu ở 2 cột K và W; cuối cùng, điền nốt cột L sau khi học xong bài.
Mục đích của các bước này một mặt khơi gợi kiến thức nền - tức những hiểu biết của học sinh về những vấn đề liên quan đến văn bản sắp đọc; một mặt để giáo viên biết được học sinh nắm văn bản đến đâu, các em muốn biết, muốn học và quan tâm đến điều gì từ văn bản để có những hướng giúp học sinh tiếp cận văn bản một cách hiệu quả.
Với hoạt động này, chị Hạnh lưu ý, nếu học sinh làm việc theo nhóm, cần trao đổi thống nhất về những điều đã biết trước khi điền vào cột K; có thể đưa ra các câu hỏi gợi ý (nếu cần) để học sinh điền vào cột K, W.
Cần quan tâm nhiều đến cột K như một biện pháp khơi gợi kiến thức nền. Làm tốt cột K, giáo viên sẽ biết học sinh hiểu văn bản ở mức độ nào để từ đó tổ chức giờ dạy đọc văn bản hiệu quả hơn.
Sử dụng hệ thống câu hỏi
Chị Nguyễn Thị Như Hạnh cho rằng, câu hỏi hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản có vai trò rất quan trọng bởi đó chính là con đường dẫn học sinh đi vào thế giới của tác phẩm, giúp các em khám phá sự đa dạng, phong phú về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, quan trọng hơn là đọc được tư tưởng, thông điệp mà tác giả gửi gắm.
Các người đọc khác nhau với kiến thức nền, kinh nghiệm sống của mình sẽ có những cách hiểu, cách lí giải khác nhau về cùng một văn bản, tạo nên đời sống của tác phẩm văn học.
Vì vậy, trong quá trình dạy đọc văn bản, giáo viên cần phải thiết kế được những câu hỏi có chức năng khơi gợi cảm xúc, ký ức, kinh nghiệm sống của học sinh.
Hay nói khác, câu hỏi phải có chức năng kích hoạt kiến thức nền của học sinh, khuyến khích những cách hiểu khác nhau về văn bản. Đây cũng là hướng tìm hiểu văn bản phù hợp với đặc điểm của hoạt động tiếp nhận văn chương.
Một số dạng câu hỏi có thể áp dụng để khơi gợi kiến thức nền của học sinh: Theo em, thông điệp tác giả muốn gửi gắm trong văn bản là gì? Theo em, tựa đề của văn bản, bìa cuốn sách có thể hiện nội dung gì?
Ý nghĩ đầu tiên của em khi đọc văn bản là gì? Văn bản này đánh thức ký ức nào, gợi cho em nhớ đến người nào, nơi nào hay kỉ niệm, kinh nghiệm nào?
Văn bản đã khơi gợi cảm xúc gì trong em? Văn bản gợi cho em suy nghĩ gì về cuộc đời/ con người?
Ghi “Nhật kí đọc sách”
Nhật kí đọc sách (NKĐS) do Taffy E.Raphael và Elfrieda H.Hiebert (1996) giới thiệu trong cuốn Creating an Integrated Approach to Literacy Instruction gồm 10 mẫu bài tập hướng dẫn học sinh đọc văn bản tự sự ở nhà trước khi đến lớp.
Học sinh sẽ đọc và ghi lại những gì đã đọc rồi mang đến lớp trao đổi, chia sẻ với các bạn trong lớp.
Trong các bài tập của NKĐS, bài tập “Bản thân và truyện” có đặc điểm khơi gợi ký ức, kinh nghiệm sống của người đọc, giúp họ sử dụng kinh nghiệm của bản thân để hiểu văn bản. Đây là bài tập có tác dụng khơi gợi kiến thức nền của người học.
Với bài tập này, giáo viên có thể cụ thể hơn bằng những câu hỏi: Tác phẩm có gợi cho em nhớ lại những kí ức, kỉ niệm nào? Hãy ghi lại điều đó trong nhật kí đọc Văn.
Bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, thử lí giải một số vấn đề trong tác phẩm mà em quan tâm?
Những nhân vật trong tác phẩm gợi cho em nhớ đến những ai, vì sao? Đọc xong tác phẩm, bản thân em cảm thấy như thế nào? ghi lại tâm trạng đó vào nhật kí đọc văn (vui, buồn, bâng khuâng, day dứt .. )
Tổ chức thảo luận trong nhóm
Bài tập/câu hỏi thảo luận tương đối đa dạng, linh hoạt. Ở đây giáo viên phải xây dựng được những bài tập/câu hỏi khơi gợi được ký ức, kinh nghiệm sống và sự hiểu biết của học sinh liên quan đến bài học, có thể vận dụng vào việc lí giải, cắt nghĩa những tình huống, những vấn đề do văn bản gợi ra trong quá trình đọc hiểu.
Giáo viên cũng có thể sử dụng một số hình thức thảo luận dựa trên các kỹ thuật như: Sử dụng phiếu học tập, kỹ thuật “khăn phủ bàn”, kỹ thuật “các mảnh ghép”.
Một số kiểu bài tập/câu hỏi có thể sử dụng cho học sinh thảo luận được chị Hạnh chia sẻ như sau:
Thử lí giải những nguyên nhân/ đề ra các giải pháp; Quan niệm của các em về ...;Nêu tất cả những vấn đề có liên quan đến...; Nêu những hiểu biết của nhóm em về ...
Chẳng hạn, khi học truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, giáo viên có thể cho học sinh thảo luận câu hỏi sau bằng kỹ thuật “khăn phủ bàn”, ví dụ:
Em hãy thử lí giải nguyên nhân mà người đàn bà hàng chài không chịu bỏ chồng?Đặt mình vào hoàn cảnh của người phụ nữ ấy, hãy cho biết em sẽ làm gì?
Hoặc khi học bài thơ Tôi yêu em của Puskin, cũng bằng kỹ thuật “khăn phủ bàn”, giáo viên có thể cho học sinh thảo luận câu hỏi: Em quan niệm như thế nào là tình yêu? Thế nào là một tình yêu chân chính, cao thượng?.
Với những câu hỏi này dạng này, học sinh sẽ vận dụng những hiểu biết, những trải nghiệm của bản thân về cuộc sống để lí giải vấn đề đặt ra.
Liên hệ với các văn bản khác trong tính liên văn bản
Thành tựu nghiên cứu về lý thuyết liên văn bản (LVB) đã đem góp phần mở rộng nội hàm khái niệm văn bản. Văn bản ngày nay được hiểu không chỉ là những văn bản được in trên giấy mà văn bản có thể là một bức tranh, một bản nhạc, một nền văn hóa, một tín hiệu, thậm chí một website.
Trong dạy học Ngữ văn, giáo viên có thể khai thác đặc điểm này để hướng dẫn học sinh đọc văn bản một cách hiệu quả.
Bằng nhiều cách khác nhau giáo viên có thể khơi gợi vốn kiến thức về văn bản của học sinh đã học ở lớp dưới hoặc về bất kì văn bản nào có liên quan, gần gũi về đề tài, cảm hứng .... để giúp các em vận dụng kiến thức này vào việc đọc văn bản hiện tại qua các thao tác phân tích, liên hệ so sánh, đối chiếu.
Hay nói khác là có thể dùng văn bản này để hiểu văn bản khác.
Chẳng hạn, khi học Đàn ghita của Lorca - Thanh Thảo, để khởi động và tạo tâm thế tiếp nhận, giáo viên có thể cho học sinh nghe bản nhạc Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita (Thanh Tùng), hoặc cho học sinh xem bức tranh về cây đàn ghita hoặc tranh về kỵ sĩ đấu bò tót để khơi gợi những hiểu biết của học sinh về văn hóa của đất nước Tây Ban Nha cũng như bối cảnh xã hội của đất nước này những năm đầu thể kỉ XX.
Hoặc khi dạy bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, cần khơi gợi vấn đề để học sinh liên hệ so sánh với các bài thơ khác trong chùm 3 bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến, cũng như liên hệ so sánh với một số bài thơ về mùa thu của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư. Từ đó học sinh có thể rút ra được nét riêng và sự độc đáo của bài thơ.
Tích hợp kiến thức liên môn
Trong quá trình đọc hiểu, giáo viên cần lưu ý tích hợp kiến thức đã biết của học sinh về lịch sử, địa lí, giáo dục công dân ... để giúp các em giải mã và kiến tạo ý nghĩa cho văn bản.
Chẳng hạn, khi dạy các tác phẩm Thơ mới (Vội vàng, Đây thôn Vĩ Dạ, Tràng giang...), giáo viên có thể cho học sinh vận dụng kiến thức lịch sử về bối cảnh xã hội nước ta những năm 30 của thế kỉ XX để lí giải tâm trạng buồn rầu, u uất, lạc lõng của những nhà thơ mới thể hiện trong sáng tác của họ.
Hoặc khơi gợi những kiến thức địa lí của học sinh về những vùng đất gợi cảm hứng sáng tác cho các nhà thơ (sông Hồng, thôn Vĩ Dạ...).
Ngoài ra, giáo viên còn vận dụng những hiểu biết của học sinh về đạo đức lối sống, trách nhiệm công dân để lí giải các nội dung về tình yêu đời tha thiết, khát vọng sống mãnh liệt, tình yêu quê hương đất nước cũng như nỗi đau thân phận của người dân mất nước thể hiện trong các bài thơ mới.
Kiến thức nền có vai trò rất quan trọng trong việc đọc hiểu tác phẩm văn học. Để giờ đọc có hiệu quả, giáo viên cần phải linh hoạt vận dụng những biện pháp để khơi gợi kiến thức nền của học sinh, giúp các em vận dụng kiến thức cũ để hình thành kiến thức mới.
Người giáo viên cũng cần dự đoán tầm kiến thức nền của học sinh đến đâu để có những chiến lược đọc phù hợp. Các biện pháp khơi gợi kiến thức nền của người đọc - học sinh nêu trên có mối quan hệ mật thiết, có thể kết hợp sử dụng tùy theo từng bài học và tùy đối tượng học sinh.
Tuy nhiên cũng cần tránh việc lạm dụng sử dụng một biện pháp, có thể gây sự nhàm chán ở học sinh dẫn đến giờ đọc hiểu kém hiệu quả.