Chuỗi kỹ năng giúp học sinh thạo đọc hiểu

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) kĩ năng đọc hiểu bao gồm chuỗi các thao tác, hành vi của người đọc được sắp xếp theo một cấu trúc hay một trình tự nhất định.

Chuỗi kỹ năng giúp học sinh thạo đọc hiểu

Các thao tác tối quan trọng

Để thực hiện đọc hiểu, PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh cho rằng, đầu tiên học sinh cần biết thực hiện các hành động làm tiền đề cho đọc hiểu là: Đọc thầm, đọc lướt, đọc quét.

Tiếp đó là các hành động ghi nhớ và nhận biết thông tin. Để thực hiện hành động này, học sinh phải trải qua một hoặc một số thao tác:

Nhắc lại nguyên văn thông tin có trong văn bản, nhắc lại thông tin bằng lời khác so với lời trong văn bản, điền thông tin trong văn bản vào chỗ trống, chọn thông tin trong văn bản ở bối cảnh có nhiễu (câu hỏi có nhiều câu trả lời để lựa chọn)...

Tiếp theo là những hành động hiểu ý nghĩa của văn bản. Loại hành động này được thực hiện bằng các thao tác:

Hiểu nghĩa của từ, hiểu nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của các thông tin, giải thích, cắt nghĩa, phân tích, phân loại, kết nối, so sánh thông tin, nắm được ý chính của đoạn trong văn bản, dàn ý hóa văn bản, hiểu mối quan hệ giữa các thông tin trong văn bản, nêu được các thủ pháp nghệ thuật kiến tạo ý nghĩa của văn bản văn chương...

Sau hành động hiểu văn bản là những hành động áp dụng văn bản vào những nhiệm vụ nhằm thay đổi nhận thức, tình cảm, quan điểm của chính người đọc.

Hành động này còn gọi là hành động vận dụng văn bản bậc thấp. Hành động vận dụng văn bản bậc thấp được thực hiện bằng các thao tác:

Đưa ra ý kiến cá nhân của người đọc về một hoặc một số thông tin trong văn bản, rút ra được thông tin từ các chi tiết trong văn bản, dùng thông tin trong văn bảnđể thực hành giải quyết vấn đề đơn giản tương tự như vấn đề nêu trong văn bản...

Hành động phản hồi văn bản được diễn ra trên cơ sở hành động hiểu văn bản. Để thực hiện hành động phản hồi văn bản, học sinh cần thực hiện các thao tác:

Liên kết thông tin trong văn bản với kinh nghiệm, với những điều các em quan tâm; đưa ra những nhận định về độ tin cậy của văn bản, đưa ra nhận xét về tính cần thiết của nội dung văn bản với nhiệm vụ học tập các em đang làm, với những trải nghiệm của bản thân các em trong cuộc sống...

Vận dụng văn bản giải quyết các vấn đề thực tiễn

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, hoạt động vận dụng văn bản vào giải quyết các nhiệm vụ trong học tập, trong đời sống là hành động cuối cùng của quá trình đọc hiểu.

Hoạt động này thể hiện mục đích cuối cùng của đọc hiểu, đồng thời cũng là hành động thể hiện đọc hiểu là một năng lực chung của mỗi người, góp phần làm cho mỗi người đọc có thể tham gia vào xã hội bằng cách thay đổi nhận thức, tình cảm hành vi của chính mình, bằng cách đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề trong đời sống mà mình đã học được từ các văn bản đọc hiểu.

“Để thực hiện hoạt động vận dụng này, học sinh phải tiến hành một số hành động, thao tác như: Suy luận để bàn luận về những vấn đề trong cuộc sống có thể giải quyết bằng sự học hỏi từ nội dung văn bản, trình bày những giải pháp giải quyết một vấn đề cụ thể (là một nhiệm vụ trong học tập, trong đời sống) từ sự học tập nội dung của văn bản...” - PGS. TS Nguyễn Thị Hạnh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ