Tản văn: Nhớ thời trọ học

GD&TĐ - Những năm ở Huế để theo học Y khoa, tôi tình cờ ở nhờ tại gia đình của một người cùng họ. Tất nhiên, đó là họ của ông chủ nhà!

Tác giả trọ học thời sinh viên Y khoa Huế. Ảnh: NVCC
Tác giả trọ học thời sinh viên Y khoa Huế. Ảnh: NVCC

Nói là tình cờ, nhưng ấy cũng là có một chút “duyên” với nhau. Thật ra thì trong thời gian đầu, tôi đã phải thay liên tiếp mấy chỗ trọ, kiểu như người ta thay áo. Hồi đó tôi viết bài thơ gởi cho một người chị, trong đó có đoạn như sau:

“Nhà trọ em thay mấy chỗ rồi

Khi thì Tây Lộc, lúc Bãi Dâu.

Hiện nay em sống sau Đại Nội

Không chắc rồi đây ở chỗ nào!”.

Đó là chưa kể những ngày ở gá phòng trọ của mấy thằng bạn hoặc nằm nhờ trong cư xá, chung giường với tụi học lớp thuộc diện “chính sách”. Thời đó, cư xá không đủ chỗ cho sinh viên thuê như bây giờ, mà chỉ bố trí ở miễn phí theo thứ tự ưu tiên. Nhưng cũng chỉ có một số lượng phòng rất khiêm tốn so với nhu cầu. Sinh viên kiểu chàng ràng như bọn tôi thì phải tự lực và nỗ lực săn lùng nơi ở trọ là chính.

Hai thằng bạn của tôi - Hiệp và Văn, cùng dân Đà Nẵng kiếm được phòng trọ tại nhà của vợ chồng một công chức già hưu trí. Họ có những người con thành đạt đi làm ăn xa. Phòng được cho thuê với giá tượng trưng để ở cho vui. Tôi được bọn chúng giới thiệu đến ở tại nhà người con rể của gia đình.

Chỗ này tuy có hơi xa hơn một chút, nhưng cũng chẳng sao. Điều đó nào có bõ bèn gì với đôi chân gầy dẻo dai của tôi thời đó. Chỉ cần phóc lên xe đạp, gò lưng xông tới là xong ngay. Nhờ đó, tôi có nơi “an cư lạc nghiệp” cho đến khi tốt nghiệp ra trường.

Nơi tôi đến ở cũng là một gia đình công chức nhỏ, nền nếp của Huế. Hai vợ chồng ông bà chủ đều là giáo viên cấp I, dạy học từ mấy chục năm nay. Họ không lấy tiền trọ. Cũng chẳng có điều kiện gì khác hơn là thỉnh thoảng cho con cái họ được hỏi bài. Lúc ấy, nói cho vui là tôi được giao “phụ trách chuyên mục giải đáp thắc mắc” từ A - Z cho con cái họ.

Họ có 5 người con (2 trai, 3 gái) đang độ tuổi học cấp I, II. Thế là, tại nơi trọ mới, trong vai trò mới, tôi bất đắc dĩ trở thành “cuốn từ điển sống” của bầy trẻ và là tấm gương sáng, hiếu học - kiểu mẫu con nhà nghèo vượt khó để bọn chúng noi theo.

Điều may mắn đối với tôi là lũ trẻ rất dễ thương, thông minh và chăm chỉ. Đứa nào cũng là học sinh giỏi. Nhờ vậy, tôi cũng ít bị quấy rầy. Thỉnh thoảng bọn chúng mới quan tâm đến tôi bằng những gợi ý nhanh mà thôi.

Trong giai đoạn này, tôi còn là một “chuyên gia báo tường”, chuyên “sản xuất thơ” theo chủ đề, mà mỗi chủ đề phải nặn ra những câu chữ khác nhau thành 2 - 3 bài. Tôi thì có dịp tha hồ khua môi múa mép, làm thơ theo kiểu “mì ăn liền”, còn bọn trẻ thì bu quanh ghi chép, đóng góp ý kiến sửa chữa thành bài hoàn chỉnh để mang nộp cho lớp.

Lại nữa, tôi còn là “họa sĩ” vẽ minh họa cho bọn chúng đi thuyết trình bài học được cô phân công. (Bây giờ thì tất cả đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc làm ổn định tại TP Hồ Chí Minh, trong vai trò của các kỹ sư, thông dịch viên và nhà báo).

Trong chủng loại sinh viên với định nghĩa những sinh vật dễ nuôi thì sinh viên Y khoa học hành căng nhất, bởi thời gian học lâu hơn, bài học nào cũng dài thoòng, sách nào cũng dày cộm; lại vừa học, vừa đi thực tập và tham gia trực như một công chức. Ấy là chưa tính còn phải đi “trực thêm” để học những điều mà mình chưa biết hoặc chưa nắm rõ. Rồi còn phải cắp sách đi trung tâm ngoại ngữ để rèn.

Tóm lại, đây là khoảng thời gian thử thách, rèn luyện để nên người, nên nghề. Bên cạnh đó còn là sự sôi nổi của tuổi trẻ với những giải trí, vui chơi, yêu đương và... hẹn hò tí chút!

Trong một không gian như vậy, cuộc hành trình 6 năm đã diễn ra. Nhờ sự dạy dỗ của các thầy cô, sự chỉ vẽ của các bậc đàn anh, sự chia sẻ của bạn bè; cộng với sự nhọc nhằn, vất vả của ba mẹ và các em, tôi đã tốt nghiệp ra trường.

Vào đời, mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Và cuộc sống như là cơn lốc cuốn mọi người theo nó...

Rồi chợt một hôm nào đó, sau nhiều tháng năm, đột nhiên tiềm thức réo gọi quay về chốn cũ, tìm thăm nơi trọ học ngày xưa. Thời gian không đứng đợi một ai. Tất cả đều đã đổi thay. Trong lòng tôi trào dâng một nỗi niềm khó tả. Hồn tôi rưng rức trong không gian của một chiều Huế tím đến tận cùng:

“Lâu lắm mới về nơi trọ cũ

Ngõ nhà xưa đó chẳng còn ai

Tưởng mới hôm nào đàn con chủ

Râm ran tiếng dậy cả trong ngoài.

Một mình quanh quẩn hàng hiên nhỏ

Như kiếm tìm chi giữa chốn xưa

Bà chủ mất rồi khung ảnh đó

Chiều ở lòng tôi bỗng đổ mưa...”.

Tôi thẫn thờ lặng đứng bên thềm. Trong căn nhà này, mọi người đều đã ra đi, cuốn theo dòng xoáy của cuộc đời. Và tôi cũng thế. Chỉ còn duy nhất một người ở lại hiền từ trong khói hương lãng đãng dưới nếp nhà rường cổ kính, lẻ loi sót lại tự bao đời, giữa một đô thị nườm nượp sự đổi thay và ồn ã.

Chia tay người được giao giữ căn nhà, tôi tựa hồ làm cuộc phân ly ở lòng mình. Thời trọ học như hãy còn đâu đó trong tâm thức của tôi và của tất cả những ai mang nặng ân nghĩa của cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.