Đầu Đông. Mưa bắt đầu giăng giăng bầu trời. Mùa Giáng sinh đang đến từng ngày, nhưng trong lòng tôi luôn luôn có một góc dành cho bầu trời riêng, bầu trời của một nhà giáo;
Đó là khung trời với nắng bốn mùa của tôi: Nắng ấm mùa Thu đượm mùi hương cốm mới, tiếng trống tựu trường, nắng nhạt mùa Đông trùm lên bầu trời giá lạnh làm dịu đi sự căng thẳng của mùa thi học kỳ một, nắng đẹp mùa Xuân tràn trên thảm cỏ rộn ràng với sự chuẩn bị kết thúc năm học và nắng chói mùa Hạ rực màu hoa phượng đỏ khép lại mùa thi cử.
Đó là đời sinh viên, là vòng luân chuyển của một nhà trường, và là vòng quay của trái tim tôi.
Có người cho rằng, nắng sân trường là nắng chói lọi của người thày soi đường cho học trò đi; nhưng tôi thầm nghĩ, người thày chân chính không luôn luôn tỏa sáng mà chỉ như một bóng cả dọn đường cho học trò của mình tỏa sáng.
Trong đời sống xã hội, ngày 20/11 từ năm 1982, trở nên gần gũi hơn với thầy trò, với cái tên Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhắc nhở học trò về những tấm gương đạo đức của người thày, về triết lý tôn sư trọng đạo.
Ngày này tuy là cuối Thu lá rụng nhưng bao giờ cũng bừng nở những bông hoa tươi tắn, sắc màu rực rỡ.
Tôi bước vào phòng nghỉ của giáo viên. Đây đó trong phòng là những lọ hoa to mà học sinh mang lên trang trí cho các thầy cô từ sớm, có cả một bảng hoa xếp chữ 20/11 nằm khoe sắc trên cả một mảng tường.
Các cô, rộn ràng nói chuyện từng nhóm, từng nhóm trong phòng nghỉ, chẳng mấy ai không nói vài ba câu rồi lại cười rôm rả. Các thầy chỉ ngồi uống chè và bình phẩm hoa, thỉnh thoảng lại khen vài câu như khích lệ các cô vuốt lại mái tóc, nắn lại cái cổ áo làm duyên.
Một lúc sau, Vân lặng lẽ đứng dậy, tiến tới đống hoa ở góc nhà, lựa lựa chọn chọn một hồi rồi khéo léo dựng lên một lẵng hoa trông đẹp mắt. Thầy Xuân chỉ lọ hoa cô Vân vừa cắm xong:
- Cô Vân giỏi thật! Đẹp quá! Chủ đề gì đây cô?
Cả phòng cười ầm lên. Tôi nói:
- Không hiểu là chủ đề gì mà đã khen giỏi, khen đẹp. Thầy Xuân thật là típ-pờ-nờ (TYPN = Tôi yêu phụ nữ).
- À, Típ-pờ-nờ thì sao? Tôi hỏi thế là xem tâm hồn của tôi và Vân có hợp nhau không.
Mọi người lại cười to. Tôi bồi thêm một câu:
- Tâm cũng đồng tâm mà hồn cũng hút hồn. Cậu có nhớ Vân đã có lần tâm sự bằng bốn câu thơ:
“Lớn lên em mới hiểu
Sao tên mình là mây.
Có phải lòng mẹ muốn,
Cho đời con bay bay”.
Tâm hồn cậu có đủ mạnh để đỡ cho đám mây này bay bay không?
Mọi người cùng cười vui vẻ. Ai cũng muốn tác thành cho đôi giáo viên trẻ này, nhưng ở đời trong chuyện tình duyên nhiều khi cứ lờ đi thì “nhân định thắng nhân”, nhưng cố ý tác thành thì “mưu sự bất thành”.
Trêu nhau một lúc, chúng tôi ngồi tâm sự, nhớ lại những kỷ niệm đẹp với các thày của mình. Thảo mở đầu:
- Học tiếng Anh khó nhất là đọc âm th. Mình nhớ thầy Tuấn bảo mình thè lưỡi ra giữa hai hàm răng để đọc âm này. Mình thẹn quá. Thầy trêu mình bảo cứ thè lưỡi ra, thè một tí thôi, đừng thè dài, rồi rụt vào ngay thì ai làm gì được mà sợ.
Mọi người không khỏi bật cười. Thanh Thanh kể:
- Mình có ông thầy dạy Văn, rất đẹp trai, giảng bài hay như bỏ thuốc mê cho học trò. Cứ mỗi lần thày đi đi lại lại qua sát bàn mình, mình lại thấy máu dồn lên mặt. Sau này gặp lại, mình nói chuyện đó... Các cậu có biết thầy bảo gì không?... Thầy bảo, sao lúc đó cô không bảo tôi.
Thầy Thắng tham gia:
- Cậu có ông thày đẹp trai thì bọn mình có cô giáo rất xinh. Đẹp như Tây Thi.
Lúc này tôi mới từ từ nói:
- Chẳng cô giáo nào đẹp bằng cô giáo của tôi. Xinh đẹp tới mức cứ gọi thằng nào đứng dậy trả lời câu hỏi là thằng ấy bị hai điểm vì tội cứ đứng đờ người ra, không trả lời.
Cứ như vậy thày một câu, cô một tiếng, câu chuyện ngày càng rôm rả. Nói chuyện chán, các cô ra góc bàn bê vào hàng trăm quả cam. Ngày 20/11 trúng vào mùa cam mà! Bỗng thầy Thắng hắng giọng:
- Các cậu này, mình hỏi giáo viên Tây trong khoa mình, họ không có ngày hiến chương các nhà giáo này đâu.
- Truyền thống gắn bó trân trọng thầy trò chỉ có phương Đông mình là nhất.
***
Tôi giật mình tỉnh dậy. Ngồi dậy lắc lắc đầu vài cái cho tỉnh hẳn, tôi mới biết là cái không khí kia đã rời xa tôi vài ba thập kỷ rồi. Tôi như lặng đi để trở về với ngày xa xưa ấy, với những ngày còn xa hơn thế nữa. Đó là vào năm 1959 - 1960, ngày tôi giã từ Hà Nội lên Cao Bằng dạy trò Tày Nùng.
Những ngày Thu sang, rừng đổi sắc làm cho tôi đã yêu núi rừng lại càng yêu thêm. Có một lần tôi về xuôi, khi trở lại, mở cửa vào thấy một dây bánh tét treo lủng lẳng trên sợi dây rừng buộc từ cửa sổ này sang cửa sổ kia trong phòng tôi. Tối ngày hôm sau, Bế Kim Yến cầm đèn dầu sang chơi:
- Bánh em treo đấy. Sợ thầy xuôi lên chưa nấu cơm được bị đói.
Tôi nhìn Yến trìu mến và kể chuyện miền xuôi, không nói lời cảm ơn vì có lần Yến bảo tôi:
- Thầy đừng cảm ơn. Học trò không dám nhận cái ơn của thầy đâu lố.
Bỗng nghe tiếng chuông gọi cửa, tôi xuống nhà. Vừa mở cửa ra tôi thấy cô học trò ngày xưa chạy ào đến ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Tôi chỉ ngạc nhiên một giây rồi đoán ra ngay. Tối hôm qua, tôi được tin một thầy cùng tên tôi ở khoa mất. Chắc có sự lầm lẫn đây.
Cô học sinh buông tôi ra mỉm cười trong nước mắt, quay người lại, vẫy tay ra phía đầu phố. Mấy người học trò cũ của tôi chạy đến nắm tay tôi. Thầy trò lại có những giờ phút kể chuyện tâm tình. Lúc này, ai cũng đã là ông bà nội ngoại nhưng vẫn líu ríu như ngày còn đi học, người nọ trách người kia:
- Chỉ tại mày, nghe cái nọ xọ cái kia.
Tiếng cười nói trở lại với phòng khách nho nhỏ của tôi. Khi ra về, nhóm học trò còn nói với lại:
- Chúng em nhầm thế là thầy thọ lắm đấy!
Tôi mỉm cười. Những giọt nước mắt của cô học trò kia cùng tiếng cười của buổi hội ngộ kỳ diệu này còn mãi trong lòng tôi.
Hà Nội. Mùa 20/11 năm nay Khoa Anh tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập khoa, và cũng vào hôm nay, cuốn truyện “Nắng bốn mùa” của tôi đến tay những viên gạch đầu tiên, khóa sinh viên A67, một cuốn truyện gợi lại những ngày trong sáng của tuổi học trò trong những năm tháng còn chiến tranh.
Các học trò A67 và tôi đều ôm chặt cuốn sách trong lòng vì trong nó có chúng tôi, có đất nước một thời và có nghĩa tình không bao giờ phai nhạt.
Dự lễ kỷ niệm xong, trên đường về nhà tôi rẽ vào quán cà phê vườn, muốn tận hưởng một phút êm đềm một mình bên cốc chè sữa trong cái gió se lạnh của mùa Thu mà tôi đã quen thuộc.
Hình như, sự rộn ràng trong tôi vẫn đang tràn đầy, nhưng rồi phút qua phút mọi sự đã dần dần trở nên dịu êm. Với tấm lòng thanh thản, tôi vừa nâng chén chè lên thì thấy một người trẻ tuổi cầm chén chè đang uống dở đến bên tôi.
- Chào thầy, em là học trò khóa năm 80 của thầy. Chắc thầy chẳng nhớ em đâu.
- Vâng, vào những năm đó tôi không làm chủ nhiệm lớp nên mỗi lớp chỉ có mấy giờ chuyên đề.
- Vâng, nhưng chúng em vẫn rất nhớ thày.
Và cứ như vậy, anh Khôi, người trẻ tuổi, cùng tôi ôn lại hình ảnh ngôi trường hồi đó, nào ngôi nhà D6 bị ném bom “rụng” một nửa, nào cái ao thả cá bên cạnh sân bóng đá, nào rặng chuối ở sát hàng rào… nào chuyện các mùa thi sinh viên ngồi đầy gốc cây tay ôm khư khư quyển sách, nào là… và thỉnh thoảng thầy trò lại nhìn nhau mỉm cười, tưởng như không bao giờ dứt. Nhưng rồi, Khôi đứng dậy:
- Xin lỗi thày, em có việc phải đi. Chắc thầy không biết được có bao nhiêu người yêu mến, trân trọng thầy đâu, nhưng thầy có thể tin chắc rằng luôn luôn có những người như thế.
Tôi lại ngồi một mình. Nếu như một người thầy chạy theo “kim tiền”, nạt học trò để họ phải “đi chùa thầy” thì liệu có những phút như thế này không, liệu có lúc nào dám gợi lại chuyện ngày xưa không. Một lát sau, tôi đứng dậy ra trả tiền nước, anh bán hàng nói:
- Chú kia trả tiền rồi, bác ạ.
Tôi cảm ơn anh bán hàng, lời cảm ơn vì lịch sự, nhưng có một lời cảm ơn tôi không nói ra được dành cho Khôi; một cảm giác về một điều gì đó đậm đà lại tràn đến.
Tôi lững thững đi qua dưới lùm cây. Chưa ra khỏi quán vườn tôi nghe thấy điện thoại. Bật máy lên tôi chỉ thấy hai tiếng “Hùng hả” rồi tắt phụt, nhưng cũng đủ để tôi nhận ra giọng Công, bạn tôi ở Sài Gòn. Tôi chợt nhớ lại cuộc gọi năm ngoái của Công.
- Hùng hả. Thầy Trọng nặng lắm, sắp mất, cậu có biết không?
- Ai?
- Thầy Trọng. Loan, con thầy, báo cho mình. Nó không gọi cho cậu à?
Tôi không nghe nữa, lao thẳng đến nhà thầy, chỉ mất có mươi phút. Thầy nằm trên chiếc giường con, nhắm nghiền mắt. Loan lay lay thày:
- Anh Hoài đến thăm bố.
Thầy mệt mỏi hé mắt nhìn tôi, cái nhìn ly biệt, không nói gì. Tôi chắp tay trước ngực như thầy vẫn hay làm khi chào chúng tôi. Thầy cũng chắp tay, rồi từ từ hạ tay xuống.
- Thầy!
Tôi nghẹn ngào, nước mắt rơi lã chã.
Trong cuộc đời của tôi có ba người thầy gây dựng và xoay chuyển sự nghiệp của tôi: Thầy Đặng Chấn Liêu, thầy Phạm Duy Trọng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và thầy Brian Hill, Trường Đại học Brighton, Anh quốc.
Tôi vội nhìn quanh xem có ai nhìn mình không, rồi bước ra khỏi quán vườn. Về đến nhà tôi mở ngay máy tính gửi cho thầy Brian một dòng: I hope this mail finds you well. (Em mong thầy khỏe khi nhận bức thư này!).
Hình ảnh sâu lắng. Cái khó của người thày là đã làm gì để để lại được trong lòng học trò những tình cảm sâu lắng ấy. Hình ảnh, lúc này cụ thể, đong đếm được, nhưng lúc khác lại trừu tượng, như một nhân cách. Tôi lặng lẽ buông tay khỏi bàn phím.
Trời Hà Nội đáng ra đã vào Đông, nhưng tiết trời còn ấm áp lắm, như thể mùa Thu không muốn ra đi.
Tôi bỗng nhớ sáng nay có hẹn với Minh Hồng. Gần bốn mươi năm qua, cô bé Việt kiều Pháp học xong cái bằng tiếng Anh, trở lại sống trên đất Pháp nhưng cứ vài năm một lần lại tin cho thày chỉ để biết rằng thày còn khỏe. Minh Hồng xưng hô với tôi là “my teacher” (thầy của em) và bao giờ cuối thư cũng chỉ có hai chữ “My teacher” thay cho những lời chúc tụng.
Dòng đời của một người thầy thanh bạch nhưng lại được hưởng những nốt đàn tuy lẻ loi mà đầy tình thương yêu, có thể nghe thấy hoặc không nghe thấy, nhưng luôn luôn thánh thót và vang xa mãi mãi.