Mùa Thu, đồng vào mùa, lúa đang kì gặt rộ. Trời đổ mưa ngâu. Mẹ hết ngó ra đồng rồi nhìn xuống bụng, đưa tay âu yếm xoa vào bụng dưới, chỗ con đang tung chân đạp. Cái thai ở tháng thứ chín cứ co cẳng đạp, vừa đạp vừa oằn thấp xuống làm mẹ tức ngực. Lại nghe tiếng con bò cái sau chuồng nghểnh cổ õm ò gọi rơm. Mùa Đông sắp tới rồi, mẹ ở cữ thì bò sẽ cần rơm, rất cần. Bốn sào rơm ruộng nhà đâu bõ bèn gì với mấy con bò nhai rơm như máy. Bò đói nằm hóc sao yên. Vậy là, dù chân bước cấn bụng nhưng mẹ vẫn quảy gánh ra đồng xin rơm.
Cảnh một phụ nữ vác cái bụng thè lè ra đồng, chắc là bất nhẫn quá nên không cần xin thì cũng có người lấy gióng nhét đầy rơm cho mẹ. Mẹ phải bám chân trên con đường ướt mưa, nặng nề bước từng bước một để gánh rơm về. Được nửa đường thì bụng co lên từng hồi đau quặn, mẹ bình tĩnh đặt gánh xuống đứng thở. Bác Tám lại đưa vai vào gánh đỡ, sắp đẻ rồi còn ham làm, coi đẻ rớt ngoài đường bây giờ. Mẹ cười, sắp rớt chứ chưa... Mẹ nói vậy vì đinh ninh sẽ trụ được tới nhà nhưng không kịp rồi. Đứng giữa bờ ruộng, nước ối vỡ ra. Mẹ tái mặt kêu thím Mận đang lụi cụi ở đám ruộng gần đó. Mẹ chăm làm nên mau đẻ, lại thêm thắt đáy lưng ong nên đau bụng là rớt ra liền, thím Mận kể lại. Còn mẹ thì trêu con nôn ra quá nên không kịp về nhà mà tuột ra ngoài bờ ruộng. Đó là lí do con có tên cúng cơm là Rớt.
Sau này, mẹ thường bảo con, khổ lúc còn nằm trong bụng, khổ lúc chào đời không giường chõng là đủ rồi, ráng học để mai mốt không phải làm nông nuôi bò, sống trầy trật như mẹ.
Không phải chỉ mỗi con mà với đứa nào mẹ cũng bảo ráng học chứ mai mốt khổ. Mẹ mù chữ, không chỉ các con học được nên chỉ khuyên ráng. Vì các con của mẹ đứa nào cũng “phải đi học” nên mẹ khổ nhân đôi nhân ba. Mười đứa con. Lại thêm ba lớn hơn mẹ tới mười lăm tuổi, dáng vẻ thư sinh yếu ớt, một thời đi lính rồi về làm ở hợp tác xã, sau hết tuổi đi làm thì ở nhà coi tivi. Một tay mẹ chèo chống.
Con lớn lên bằng kí ức những năm nhà thiếu ăn, mẹ phải ra đồng mót lúa. Thì lúa nhà đem bán lo tiền học, tiền chợ còn lúa mót gạo nát vụn thì để ăn. Chị em con nhăn nhó nếu nhai cơm gặp sạn thì mẹ bảo ráng, sau này bớt khổ thì ăn gạo sạch, gạo mót để dành nấu cháo… heo. Đấy là lần trong bữa cơm mà con rớt nước mắt.
Ảnh minh họa: ITN |
Con học Cao đẳng Sư phạm dưới thị xã. Đêm ở nội trú, đang nô giỡn với bạn bè thì nhận được tin mẹ nhập viện. Xưa nay mẹ làm “lở núi lở non”, nhức đầu sổ mũi hay đau vai đau cổ cũng chỉ ở nhà uống thuốc khơi khơi chứ nhất định không chịu đi viện. Những đêm trở trời, mẹ ngồi đấm thùm thụp, kêu đi khám bệnh nhưng mẹ cứ gạt phắt: “Già cả nên đau nhức, bệnh vặt chứ nghiêm trọng gì mà vào viện”.
Mẹ “gan thép” vậy mà giờ nhập viện thì chắc là bất khả kháng rồi. Con mếu máo, sấp ngửa chạy ào vô viện. Mẹ nằm đó, còm cõi, võ vàng. Căn bệnh xuất huyết đường ruột đã làm cơ thể người đàn bà lực điền suy sụp thê thảm.
Trên giường bệnh, mắt mẹ cứ lơ mơ rồi nhắm nghiền, người hầm hập sốt. Nằm mê man ba ngày hai đêm nhưng khi tỉnh dậy, mẹ đuổi các con về hết. Mẹ bảo đang mùa cao điểm, đứa ở nhà không thể bỏ ruộng bỏ lúa, đứa đang học hành không được bỏ trường bỏ lớp. Làm nông thì ruộng vườn là tài sản lớn nhất, đi học thì chữ nghĩa phải đặt hàng đầu, mẹ tự lo liệu được.
Dù không đành bỏ mẹ nằm viện một mình thì anh em con cũng không biết thu xếp sao cho ổn, vậy là chia nhau về rồi thay phiên nhau vào thăm mẹ. Anh lo mùa vụ, con lo thi học phần. Khi anh em lo xong xuôi mọi thứ thì mẹ cũng xuất viện.
***
Con bất ngờ bị tai nạn nặng. Mẹ bỏ nhà, bỏ mấy con bò, bỏ vườn rau mỗi ngày chăm chút, hấp tấp đón xe đò vào viện với con.
Con gái hôn mê sâu hai tháng, mẹ thấp thỏm đứng ngồi. Bác sĩ vào thăm khám là mẹ níu tay hỏi han, cầu xin cứu giúp. Khi con tỉnh dậy lơ láo, trí nhớ đứt quãng thì mẹ cứ lén khóc.
Cả năm trời đồng hành cùng con trong bệnh viện, hết Chợ Rẫy đến Phục hồi chức năng, Ngoại thần kinh đến Viện mắt rồi sang Đông y, mẹ không ăn cơm tiệm bao giờ. Tới bữa ăn, mẹ mua cơm cho con còn mẹ thì đi xin cơm từ thiện. Con gái nằng nặc bảo mẹ phải ăn cơm tiệm thì mẹ bảo trong cơn nguy khó, phải dành tiền để chữa bệnh, với lại cơm từ thiện cũng rất ngon. Bữa cơm nào mẹ cũng đút nhét nhưng con chỉ ăn được vài thìa. Mẹ ăn cơm thừa của con và nói, nuôi bệnh bây thét chắc mẹ mập như heo quá, tụi bây ăn uống thỏm thẻm như mèo thì làm sao khỏi bệnh được. Con “khó chịu” gắt: “Con gái lớn rồi, không còn con nít con nôi gì nữa mà mẹ phải ăn đồ mứa”. Mẹ xua tay: “Có bà mẹ nào chẳng ăn cơm thừa của con”.
Con tái nhập viện trong trạng thái khủng hoảng toàn diện khi phong phanh nghe tin ông xã có tình nhân. Mẹ lại khăn gói vào viện chăm con. Đã mang thân bệnh lại còn tâm bệnh nên con hờ hững với những liệu trình điều trị di chứng của chấn thương sọ não đến xuất huyết. Không có được niềm tin tối thiểu, con lúc nào cũng trong tình trạng một người sợ… sống. Mẹ bảo, có con rồi thì sợ gì ngang trái, đã làm mẹ rồi thì phải nghĩ tới con mà sống. Mẹ khuyên nhiều, mềm mỏng có, cứng rắn có nhưng con vẫn cứ tuyệt vọng, ủ rũ như một con mèo ốm, cuối cùng mẹ phải dỗ dành: “Ráng! Rồi mọi thứ sẽ ổn!”.
Làm sao ổn được khi chồng ngoại tình, khi con còn quá nhỏ mà sức khỏe của mẹ ẩm ương. Làm sao tiếp tục sống để nuôi con khi một con mắt bị hỏng và một cánh tay không/chưa cử động được. Con nằm thút thít, nghĩ đến việc bị chồng phản bội, nghĩ đến chuyện có thể bỏ nghề cầm phấn mà nát lòng. Và như thế, con nằm ủ dột còn mẹ thì ngồi bên xoa bóp.
Ra viện thì con được chồng tặng cho cái đơn ly hôn trên tòa và khuyến mãi cho con trai một đứa em cùng cha khác mẹ. Trở thành bị đơn của một vụ ly hôn khi những vết thương thể xác còn đau nhức, con thảm hại đến thân tàn ma dại. Đấy là lúc con luôn có mẹ bên cạnh. Và khi hai mẹ con lâm thế vô gia cư, mẹ mở cửa đón về.
Con đi dạy xa, mẹ ở nhà chăm cháu. Mỗi tháng lĩnh lương, con dúi mẹ ít tiền đi chợ, lần nào mẹ cũng đẩy lại rồi bảo mẹ có tiền, chừng nào mẹ con bây yên ổn thì cho mẹ sau.
***
Mẹ ơi, con gái xin lỗi! Bằng này tuổi đầu, khi đã làm mẹ của một đứa con, khi đã thức khuya dậy sớm trà nước cho bố mẹ người khác, khi đã đắng đót yêu và cúc cung tận tụy với người con trai xa lạ rồi bị anh ta đá hất như cái cách người ta ném đi một miếng giẻ rách thì con mới biết mình chỉ làm khổ mẹ.
Có muộn không khi sau những đổ nát của cuộc đời con mới nhận ra? Chỉ mẹ là thương yêu con nhất!