Động cơ nào thôi thúc em trở thành sinh viên sư phạm Văn?
- Nghề Sư phạm vốn là nghề “truyền thống” của gia đình em (cả bố và mẹ em đều là giáo viên trường phổ thông). Chính vì vậy em được tiếp xúc với những điều rất thi vị của nghề giáo ngay từ khi còn nhỏ.
Ngày còn chưa đi học, em đã thích sắm vai cô giáo, giảng bài cho các học sinh “tàng hình” của mình. Không phải vì cái cảm giác đầy “quyền uy”, mà vì khi ấy, em thấy mình rất chững chạc – đó là cái mà em khác so với các bạn cùng học mẫu giáo thời đó.
Sau này, trong suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, em có may mắn được gặp gỡ và học tập những người thầy cô giáo vô cùng đặc biệt, tình cảm mà họ dành cho môn học, cũng như sự tận tâm mà các thầy cô dành cho em, có lẽ đã làm em thêm chắc chắn hơn về con đường mình muốn đi.
Em chọn môn Ngữ văn cũng bắt nguồn từ gia đình. Ông nội, bố và các bác của em vốn là những người yêu nghệ thuật: văn chương, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh… và tình yêu đó đã ảnh hưởng lên em và các anh chị khá nhiều.
Trong các môn học, em thấy mình luôn hứng thú học Văn, môn học mà ở đó em được bày tỏ những cảm nhận, những suy nghĩ của mình một cách tự do nhất – và cũng khá may mắn khi em luôn được học những thầy cô dạy Văn luôn lắng nghe và thậm chí chấp nhận cả cái tính tình có phần “hơi khác” của em.
Là con gái phố cổ Hà Nội, em không ngại quan niệm cho rằng nghề sư phạm vất vả nhưng lại nghèo - "ăn như sư, ở như phạm"?
- Cả thầy cô và gia đình đều rất ủng hộ em chọn nghề sư phạm. Có lẽ họ nhìn thấy ở em cả đam mê và khả năng phù hợp với đặc thù nghề nghiệp nên nhất nhất khuyên em lựa chọn nghề này. Và đây cũng là nghề em hướng tới từ những ngày còn rất nhỏ.
"Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Đã chọn nghề và hết lòng vì nghề thì chẳng bao giờ sợ "đói". Em mới qua 2 kỳ thực tập sư phạm thôi mà đã thấy nghề của mình quá giàu ... về tình cảm và tinh thần. Đó mới là điều đáng quý.
Em nghĩ, dù xã hội có đổi thay thế nào thì nghề giáo vẫn là nghề được trọng vọng, và với người làm nghề thì đây là một nghề cao quý, bởi họ có thể truyền lửa cho hàng vạn con người khác.
Nhận thấy cá tính của con gái “hơi bị” mạnh, tính khí lại thất thường, nên biết em chọn sư phạm, bố mẹ em rất an tâm, vì có lẽ nghề này sẽ giúp tính nết của em “nền” hơn, ổn định hơn chăng?
Còn bản thân em thì rất hãnh diện khi người thầy dạy Văn THPT của em khi biết sự lựa chọn đó đã nói rằng: “Trong khi số đông chọn thi những ngành kinh tế, ngân hàng, thì việc đi theo một con đường riêng đầy khó khăn như em, lại là một quyết định cực kì bản lĩnh”.
Em có thể chia sẻ bí quyết học tập để đạt thành tích cao?
- Thực chất thì đây không hẳn là “bí quyết”, bởi vì nó chẳng phải điều gì bí mật cả. Trước tiên, bạn nên xác định được mình thuộc type học hỏi nào. Có rất nhiều công cụ test trên Internet có thể giúp bạn kiểm chứng được điều đó.
Em muốn nói rằng, không có bí quyết hay cách học nào phổ quát dành cho mọi đối tượng, mỗi phương pháp lại có hiệu quả với từng cá nhân cụ thể.
Điều mình nên làm là khám phá tiềm năng, sở trường của bản thân và tìm ra, thậm chí là sáng tạo ra cách học thích hợp nhất với những vốn tự nhiên đó.
Ngoài ra, điều này có thể khiến nhiều bạn ngạc nhiên, nhưng em ngẫm thấy sinh viên nên làm bạn với giảng viên. Họ chính là đồng minh quan trọng nhất của bạn trên con đường tối đa hóa trải nghiệm ở trường đại học.
Họ là những chuyên gia cố vấn cho việc học, kích thích khả năng của bạn, mở ra cho bạn những cơ hội mới mẻ và thú vị.
Trong khoa Văn, em đã có cơ hội trò chuyện và học tập với những giảng viên uyên bác và tâm huyết như PGS.TS Đặng Hảo Tâm, PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, TS Trần Ngọc Hiếu… - những người thầy không chỉ truyền tri thức mà còn truyền cảm hứng cho sinh viên.
Có khi chỉ là lời giới thiệu một cuộc tọa đàm, một cuốn sách hay mới ra lò, nhưng những gì các bạn nhận được từ người thầy ở đại học có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Trong thời gian học tại trường, em có tham gia các hoạt động Đoàn, Hội không?
- Trước đây, em là một cô bé khá trầm, ít tham gia các hoạt động thi đua, tập thể… Nhưng ở trường Đại học, em được giao làm Lớp phó lớp Chất lượng cao K60 và Phó Chủ tịch CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học Liên chi đoàn Khoa.
Chính sự tín nhiệm của lớp, của khoa đã khiến em phải năng động, phải phấn đấu hơn cả những gì em nghĩ mình có thể làm.
Những nỗ lực đó cũng mang lại cho em một vài danh hiệu như: Sinh viên 5 tốt của Hội Sinh viên, Sinh viên Thủ đô thời đại mới, Giấy khen của Hội Sinh viên Việt Nam vì có đóng góp tích cực trong công tác Hội và phong trào sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Giải Nhì cuộc thi hát tiếng Anh MUZIK & ME của sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội…
Kỷ niệm đáng nhớ nhất thời đi học của em?
- Đó là lần em tham gia Đội Nghiệp vụ Sư phạm của Khoa Ngữ văn, thi giải toàn trường. Như em đã đề cập từ trước, em vốn khá trầm trong môi trường tập thể, chỉ đến năm vừa rồi, khi được giao nhiệm vụ, em mới “đành” phải thi đấu cho khoa.
Vai trò của em là trả lời phần thi Hiểu biết sư phạm bằng tiếng Anh, và may mắn thay đội của em giành được trọn vẹn điểm phần thi này.
Khi công bố giải, Khoa Văn đã xuất sắc giành vị trí Nhất toàn đoàn. Cái khoảnh khắc cả đội vỡ òa vì sung sướng, em mới thấm thía một điều mà bấy lâu nay mình chưa từng trải nghiệm: tinh thần đồng đội.
Trong một tập thể, mỗi cá nhân đều có vai trò quan trọng như nhau, và nếu như ai cũng làm tốt nhiệm vụ của mình, biết hợp tác với đồng đội, thì vinh quang, chiến thắng là điều tất yếu.
Mỗi chúng em đều tự hào về bản thân, tự hào về đội mình, tự hào về khoa Ngữ văn. Giá như em chưa ra trường, để năm sau lại được đi thi cùng đội Nghiệp vụ, được tiếp tục cống hiến cho khoa…
Dự định về công việc của em khi ra trường?
- Sau 2 kì thực tập ở trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, em càng cảm thấy lựa chọn nghề của mình là chính xác. Các em học sinh mỗi ngày lại mang đến cho em những kỉ niệm mới, tình cảm và sự ủng hộ của các em là ấn tượng mãi mãi không thể nào phai trong em.
Những học sinh tuyệt vời ấy đã giúp em củng cố ước mong được giảng dạy môn Ngữ văn tại một trường trung học ở Thủ đô. Song song với đó, em sẽ cố gắng hoàn thành chương trình Thạc sĩ, chuyên ngành Lí luận văn học tại trường Đại học Sư phạm.
Em có nhắn nhủ gì với các bạn học sinh có dự định thi vào Sư phạm?
- Có dự định thôi đã là điều đáng quý rồi! Em mong các bạn sẵn sàng theo đuổi dự định cao quý đó, khi thực hiện được rồi thì các bạn hãy là những người thầy sáng suốt, bản lĩnh và trách nhiệm với thế hệ trẻ.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: đã chọn theo nghề này, bạn hãy luôn yêu sự lựa chọn đó. Một nhà giáo yêu nghề mới có thể dạy trẻ yêu việc học.
Ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi, một nghệ sĩ mà em rất nể phục, luôn tâm niệm một điều, được coi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của anh ấy: “Do small things with great love” (Hãy thực hiện những điều dù nhỏ bé bằng cả tấm lòng mình). Dù chọn con đường nào, lĩnh vực nào, bạn chỉ có thể thành công và hạnh phúc khi những việc bạn làm xuất phát từ con tim!
Theo thống kê của Phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Nguyễn Đức Tâm An là chủ nhân các danh hiệu:
Thủ khoa đầu vào khối D1 của trường, kỳ thi Đại học năm 2010, đồng thời là Thủ khoa đầu vào khoa Ngữ văn, trúng tuyển hệ Cử nhân Tài năng K60. Thủ khoa tốt nghiệp loại Xuất sắc năm 2014. Điểm học tập toàn khóa đạt 9.06/10.
Đã từng nhận học bổng Nguyễn Tuân giành cho sinh viên tài năng; giải Nhì thuyết trình tiếng Anh, giải Nhất toàn đoàn hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường; giải Nhất cấp trường cho Đề tài nghiên cứu khoa học năm học 2011-2012; giải Ba cấp trường cho Đề tài Nghiên cứu khoa học năm học 2012 - 2013.