Thích ứng với môi trường trực tuyến
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng thành lập 2 nhóm zalo để hướng dẫn thủ tục đăng ký nhập học trực tuyến.
Trong đợt sinh viên nộp hồ sơ nhập học trực tiếp, nhà trường đã dành 1 phòng họp lớn có điều hòa và máy tính để phục vụ phụ huynh, tân sinh viên làm thủ tục nhập học.
Em Phạm Quang Linh, trúng tuyển ngành CNTT kể: “Thường thì giấy báo trúng tuyển nhập học có bản “mềm” và bản “cứng”. Nhưng em chỉ nhận bản mềm qua email do nhà trường gửi. Em cứ tưởng là cần phải có thêm bản cứng nữa. Vì lo lắng nên em gọi điện nhờ nhà trường tư vấn. Hóa ra chỉ cần bản mềm là được. Trước đó, nhà trường có hướng dẫn trên website nhưng em không để ý”.
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Tân sinh viên hoàn tất các thủ tục đăng ký nhập học trực tuyến trên hệ thống của nhà trường. Vì vậy, khi nộp hồ sơ trực tiếp thì thời gian hoàn tất của mỗi sinh viên được rút ngắn”.
Từ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đưa cháu ra Đà Nẵng nhập học, ông Nguyễn Văn Thích mất gần một ngày để tìm phòng trọ cho cháu. “Cháu thì đọc không kỹ các thông tin nên khi trả tiền thuê phòng trọ, mua sắm hết đồ dùng cá nhân, đồ lặt vặt để nấu ăn thì mới biết nhà trường có ký túc xá. Tui bàn với ba mẹ cháu thôi để cháu ở 1-2 tháng đầu, nếu điều kiện gia đình khó quá thì lại xin chuyển cháu vào ở ký túc xá sau”.
Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng hoàn chỉnh hồ sơ nhập học trực tiếp. |
Việc thí sinh đăng ký xét tuyển, hoàn thành các thủ tục nhập học trực tuyến được xem là “bước đệm” giúp các em thích ứng với phương thức đào tạo theo hình thức tín chỉ ở các trường đại học, khi sinh viên được giao quyền tự chủ từ tự xây dựng thời khóa biểu, tự học…
Trong suốt thời gian học đại học, học kỳ nào sinh viên cũng phải tự đăng ký trực tuyến thời khóa biểu, cập nhật các thông báo của lớp học phần, lớp sinh hoạt trên website của trường, làm bài tập, bài thi qua hệ thống E - Learning…
Chính vì vậy, sinh viên được lưu ý cần phải xem thông tin chính thống do trường ban hành ở các tài liệu do trường phát hành, tại website của trường. Thông tin ở website có tính cập nhật hơn. Nếu sử dụng thông tin truyền miệng thì có thể sẽ phải chịu những hậu quả đáng tiếc do thông tin đó không chính xác.
Điều chỉnh cách tư vấn hướng nghiệp
Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng có 1.540 chỉ tiêu tuyển sinh với 19 ngành, chuyên ngành kỹ thuật. Trong đợt này, tổng số thí sinh trúng tuyển vào trường là 1.670. Đến thời điểm này số lượng thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 1.523.
PGS.TS Phan Cao Thọ cho biết: “Kết quả tuyển sinh của nhà trường năm 2023 rất khả quan. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường có tăng lên nhưng chất lượng đầu vào vẫn đảm bảo, cho dù theo đánh giá thì đề thi các môn thuộc tổ hợp xét tuyển khối A năm nay có khó hơn những năm trước. Nhà trường có 5-6 ngành đào tạo có điểm trúng tuyển thuộc tốp 10 của các trường đào tạo kỹ thuật - công nghệ”.
Với những ngành kỹ thuật vốn lâu này hẹp nguồn tuyển như ngành khối kỹ thuật như Cầu đường, Môi trường, Công nghệ hóa học – môi trường, năm nay, số thí sinh xác định nhập học cũng đạt xấp xỉ 100%. Đây là những ngành mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn.
Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, đây là kết quả của việc điều chỉnh cách tư vấn tuyển sinh của nhà trường. Nhà trường bắt đầu công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp từ sớm và chọn hình thức tư vấn chuyên sâu.
“Hầu hết cơ sở giáo dục đại học và trường phổ thông đều có chương trình tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Thế nhưng, kiểu tư vấn “chớp nhoáng” như cách làm của các ngày hội tư vấn tuyển sinh đang diễn ra trước thời điểm học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ có thể cung cấp những thông tin không đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động cũng như bức tranh phong phú của các ngành nghề” – PGS.TS Phan Cao Thọ nhận xét.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng phân tích, tâm lý chung là học sinh và ngay cả phụ huynh đều có nguyện vọng cho con theo học những ngành nghề thời thượng trong xã hội. Các nghề nghiệp có tính chất nặng nhọc hoặc điều kiện làm việc hơi vất vả, không tập trung tại các thành phố lớn như địa chất, môi trường, cầu đường… ít học sinh lựa chọn hơn dù đầu ra sau tốt nghiệp rất thuận lợi.