Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng đề xuất mô hình quản lý giao thông thông minh

GD&TĐ - Ngày 17/11, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp quốc gia với Bộ Khoa học Công nghệ. 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng và đại diện Bộ Khoa học Công nghệ ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp quốc gia.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng và đại diện Bộ Khoa học Công nghệ ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp quốc gia.

Theo đó, Trường ĐH Kỹ thuật Sư phạm, ĐH Đà Nẵng triển khai thực hiện đề tài Nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao số theo đặt hàng của Bộ Khoa học Công nghệ.

Đây là nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp quốc gia thuộc chương trình trọng điểm KC.01/21-30 do PGS.TS Phan Cao Thọ làm chủ nhiệm đề tài.

PGS.TS Phan Cao Thọ cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các cơ sở dữ liệu về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị trên thế giới không còn là một khái niệm mới. Một số nơi trên thế giới đã ứng dụng triệt để công nghệ để quản lý dữ liệu đô thị, tạo ra “bản sao số - Digital Twin (DT)” của thế giới thực.

Việc sử dụng công nghệ và dữ liệu để tạo nên một “bản sao số” trong thế giới số cho một thành phố hoàn chỉnh được chọn là một trong 10 xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu từ năm 2017 đến nay. Một số thành phố trên thế giới đã triển khai và bước đầu đã được thành công, điển hình Amsterdam, Rennes, Toronto, Singapore và Amaravati (Ấn Độ). Việc triển khai “bản sao số” đô thị dự kiến đạt đến hơn 500 vào năm 2025.

Mục tiêu chính của đề tài, theo như PGS.TS Phan Cao Thọ là Ứng dụng các công nghệ mới như AI, BigData, IoT và đặc biệt là công nghệ bản sao số DT để phát triển hệ thống hỗ trợ số hóa hạ tầng theo dõi, giám sát phương tiện tham gia giao thông cho đô thị thông minh.

Đội ngũ thực hiện đề tài sẽ xây dựng được hệ thống thu nhận và xử lý dữ liệu số từ nhiều nguồn, hỗ trợ giám sát, điều hành, quản lý giao thông đô thị thông minh; phục vụ cho các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và người tham gia giao thông. Triển khai thử nghiệm thành công tại một số đô thị điển hình tại miền Trung như Đà Nẵng, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam).

PGS.TS Phan Cao Thọ cho biết, nhu cầu thị trường của việc áp dụng giải pháp quản lý hạ tầng giao thông đô thị thông minh ở các địa phương là rất lớn. Không chỉ riêng thành phố Đà Nẵng mà tất cả các tỉnh thành khác đều có nhu cầu ứng dụng, tổ chức triển khai các dự án ở quy mô đô thị khác nhau.

Với đề tài Nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao số, nhóm nghiên cứu sẽ đặc tả cụ thể các yêu cầu cần thiết trong giải pháp giao thông đô thị thông minh với định hướng ứng dụng được những công nghệ, kỹ thuật hiện đại và phục vụ cho cả cơ quan quản lý, tổ chức/doanh nghiệp lẫn người tham gia giao thông.

Ngoài ra, đề tài sẽ nghiên cứu làm chủ được những công nghệ AI, BigData, IoT và đặc biệt là công nghệ bản sao số để phát triển hệ thống hỗ trợ số hóa hạ tầng theo dõi, giám sát phương tiện tham gia giao thông cho đô thị thông minh.

Đề xuất được giải pháp tổng thể hình thành bản sao số giao thông đô thị thông minh thông qua phân tích, xử lý dữ liệu giao thông từ nhiều nguồn và bản đồ số 2D, 3D.

Một sản phẩm nữa mà đề tài hướng tới là xây dựng được hệ thống phần mềm, tích hợp thiết bị phần cứng để hình thành được nền tảng hỗ trợ quản lý giao thông thông minh sử dụng công nghệ bản sao số phù hợp với đặc điểm giao thông hỗn hợp nhiều thành phần ở đô thị Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ