Nỗ lực số hóa giúp giáo dục vượt qua thách thức từ đại dịch

GD&TĐ - Tuy còn nhiều khó khăn song Lai Châu đang đặt ra mục tiêu tiến tới số hóa toàn diện trong giáo dục. Ngành GD&ĐT địa phương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh triển khai đưa công nghệ thông tin vào dạy và học.

Lai Châu đang tích cực đẩy mạnh công nghệ thông tin trong dạy và học.
Lai Châu đang tích cực đẩy mạnh công nghệ thông tin trong dạy và học.

Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Lai Châu, việc đẩy mạnh số hóa sẽ góp phần tạo diện mạo mới trong ngành giáo dục. Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã ký kết hợp tác với Viễn thông Lai Châu để triển khai hệ thống phần mềm VnEdu đồng loạt trên phạm vị toàn tỉnh.

Phần mềm này được xây dựng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây nhằm tin học hoá toàn diện công tác quản lý, điều hành trong giáo dục, kết nối gia đình, nhà trường và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học. Ngành GD&ĐT Lai Châu hy vọng rằng việc đưa phần mềm VnEdu vào sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành...

Gần đây, Sở GD&ĐT cũng đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến với tinh thần bảo đảm hoạt động thông suốt, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ, mục tiêu năm học đặt ra. Điều này sẽ hạn chế tập trung đông người trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Báo cáo tổng kết năm học 2020 - 2021 của Sở GD&ĐT Lai Châu nêu rõ, trong năm học, toàn ngành đã tổ chức 32 cuộc họp, hội nghị, hội thảo sinh hoạt chuyên môn. Ngành cũng triển khai tập huấn trực tuyến chương trình GDPT mới, hội thảo giới thiệu sách giáo khoa, hội nghị tổng kết năm học... Hình thức này sẽ được tiếp tục được tăng cường thực hiện trong những năm học tiếp theo.

triển khai phần mềm vnEdu
Lai Châu đưa hệ thống phần mềm VnEdu vào sử dụng.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Lai Châu, việc quản lý và chỉ đạo của ngành thông qua hệ thống phần mềm văn phòng điện tử eoffice, VNPT Ioffice và hệ thống thư điện tử được đảm bảo, ổn định đáp ứng yêu cầu công việc. Chất lượng hoạt động duy trì, cập nhật thông tin trên hệ thống website của ngành đã đáp ứng tốt nhu cầu tra cứu thông tin của giáo viên, học sinh và người dân.

Đơn vị này cũng đã triển khai và thực hiện hiệu quả hoạt động sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo mô hình công dân điện tử đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 95%. Qua đó, giúp cho các tổ chức, cá nhân giảm bớt khó khăn, thời gian, chi phí khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở.

Các hội nghị được tổ chức trực tuyến
Các hội nghị được tổ chức trực tuyến.

Linh hoạt trong dạy - học

Nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, Sở GD&ĐT Lai Châu đang khuyến khích giáo viên toàn ngành tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, tập trung thực hiện xây dựng bài giảng E-Learning để đóng góp vào các kho bài giảng của trường, phòng, sở và Bộ GD&ĐT.

Mường Tè là huyện biên giới, khó khăn. Song các trường trên địa bàn cũng đang nỗ lực ứng dụng CNTT vào dạy và học. Đến nay, 100% các trường trên địa bàn đã có đầy đủ hệ thống máy tính kết nối mạng LAN, mạng Internet, website sử dụng phần mềm ứng dụng. Đa số giáo viên phổ thông có thể sử dụng máy tính và các phần mềm hỗ trợ vào giảng dạy.

Cô Lê Ngọc Anh, giáo viên trường PTDTBT THCS Ka Lăng cho biết: “Việc sử dụng CNTT giúp ích rất nhiều cho tôi trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là đối với chương trình GDPT mới. Năm nay, tôi được phân công giảng dạy lớp 6 với môn hoạt động trải nghiệm. Những hình ảnh trực quan, các video sinh động đã giúp học sinh hứng thú hơn trong tiết học”.

“Tất cả giáo viên trong trường đều có máy tính và thành thạo việc soạn giảng trên máy. Hiện, trường có 3 máy chiếu phục vụ công tác giảng dạy. Mỗi tuần, chúng tôi yêu cầu giáo viên phải có một tiết ứng dụng CNTT trong dạy học”, ông Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Ka Lăng (Mường Tè) chia sẻ.

Giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Ka Lăng (huyện Mường Tè) ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
100% giáo viên huyện Mường Tè có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các trường chú trọng ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và trong hoạt động chuyên môn. Tăng cường sử dụng máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể để hỗ trợ giảng dạy. Phòng cũng chỉ đạo các trường chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức dạy học kết nối. Chúng tôi cũng tổ chức Hội thảo cấp huyện để chia sẻ về tổ chức dạy học kết nối”.

Đến nay, 100% trường học trên địa bàn huyện Than Uyên đã giao dịch qua phầm mềm quản lý văn bản. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT đã sử dụng phần mềm quản lý giáo dục Penta hỗ trợ công khai trong công tác quản lý, chỉ đạo các trường hằng ngày công khai sĩ số học sinh, thực đơn bán trú, giá thực phẩm.... trên hệ thống.

Các tiết học ứng dụng công nghệ thông tin
Các tiết học ứng dụng CNTT thu hút hứng thú của học sinh.

Cùng với đó, toàn bộ các trường được kết nối mạng Internet, có Website riêng để đưa tin, bài về hoạt động của trường và hỗ trợ công tác quản lý của nhà trường.  Các trường còn sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS và trang mạng xã hội Zalo trong việc cập nhật, trao đổi thông tin giữa các thành viên trong trường, giữa nhà trường với cha mẹ học sinh.

“Chúng tôi đã triển khai và tập huấn sử dụng chữ ký số đến 100% trường học trên địa bàn. Đa số cán bộ quản lý, giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Cùng với đó, biết ứng dụng CNTT trong việc bồi dưỡng chương trình GDPT mới”, ông Hải cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ