Tận dụng công nghệ AI nâng cao chất lượng bài dạy

GD&TĐ - Cô An Thị Phương Anh, giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) đã tận dụng công nghệ AI để nâng cao chất lượng bài dạy.

Cô An Thị Phương Anh và học trò trong giờ học trên lớp.
Cô An Thị Phương Anh và học trò trong giờ học trên lớp.

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vinh danh và trao giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 8, năm 2024. Cô An Thị Phương Anh đến từ Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên - huyện Gia Lâm là một trong số các nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương vì có nhiều đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.

Kiến tạo lớp học hạnh phúc

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Phương Anh cho rằng, để có được một ngôi trường hạnh phúc thì trước tiên cần có những lớp học yêu thương. Cô đã xây dựng lớp học yêu thương bằng các hoạt động như: “Điều em muốn nói”; “Sinh hoạt lớp hạnh phúc” hoặc tạo dựng các trang Padlet để học sinh nói lên cảm nghĩ về tiết học, thầy cô, bạn bè.

phuong-anh-3.jpg
Cô An Thị Phương Anh đến từ Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm được vinh danh "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm 2024.

Một ngôi trường hạnh phúc cần đáp ứng đủ các tiêu chí về môi trường, con người và chất lượng giáo dục. Cô luôn trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng giờ dạy của mình. Một trong những việc cô Phương Anh đã thực hiện là đẩy mạnh ứng dụng CNTT và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng bài giảng.

Trước đó, cô An Thị Phương Anh đã ba lần liên tiếp tham gia ngày hội CNTT cấp Thành phố năm 2018, 2021 và 2024 đều đạt giải Nhất, Nhì. Việc sử dụng các phần mềm làm video, chỉnh sửa ảnh, tạo bài tập trắc nghiệm, tạo sơ đồ tư duy hay thiết kế bài giảng học trực tuyến E-Learning giúp bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn.

phuogn-anh-1.jpg
Cô Phương Anh đã sử dụng phần mềm Filmora, Camtasia để tạo video phục vụ bài học.

Theo cô An Thị Phương Anh, Chat GPT là một công cụ Chatbot của Open AI phát triển dựa trên mô hình Transfomer của Google, giúp chúng ta tạo những cuộc trò chuyện tự động và trả lời câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau.

"Tôi thường sử dụng Chat GPT để lên ý tưởng cho các hoạt động dạy học, khung chương trình cho những hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo kịch bản phục vụ soạn bài trình chiếu PowerPoint cho tiết dạy, kịch bản cho một bài giảng E-Learning hay kịch bản cho đoạn video giới thiệu bài, dẫn dắt, kể chuyện, tổng kết nội dung bài học", cô Phương Anh nói.

phung-anh-7.jpg
Cô Phương Anh và học sinh lớp 5A5 tham gia múa hát chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại trường.

Nữ nhà giáo cũng thừa nhận, trong quá trình xây dựng đề cương cho sáng kiến kinh nghiệm, ít nhiều chúng ta cũng sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp ý. Chat GPT cũng là một người bạn giúp ta có những gợi ý cho việc lên khung đề cương cũng như triển khai một số luận điểm nhất định cho bài viết của mình.

Đa dạng hình thức soạn giảng

phuong-anh-2.jpg
Cô Phương Anh sử dụng Mindmap vẽ sơ đồ tư duy.

Với các công cụ AI chuyển đổi văn bản thành giọng nói như: Vbee – Text to speech; AI Text to Speech; AI Eleven Labs, cô thường sử dụng để tạo ra các giọng nói của nhân vật trong các đoạn clip bản thân tự xây dựng để đưa vào bài dạy, sử dụng để lồng âm thanh cho các bài giảng E-Learning.

Một số công cụ AI chuyển đổi văn bản thành hình ảnh sử dụng như: Leonardo; NightCafe Studio; Deep Dream Generator… Các hình ảnh này giáo viên có thể dùng để lồng vào những hoạt động học sinh cần xem tranh như phần bài Đọc của môn Tiếng Việt, các câu chuyện của môn Đạo đức, Giáo dục ngoài giờ lên lớp, Hoạt động trải nghiệm hay các bài tập thao tác với tranh.

phuong-anh-5.jpg
Padlet “Cô Phương Anh và đàn Mèo con 5A3”.

Một hình thức ứng dụng AI trong việc dựng video phục vụ cho tiết dạy khác là dựng video hoạt hình. Ta có thể sử dụng Steve AI để dựng các đoạn video phục vụ dựng video cho phần giới thiệu bài, kể chuyện, củng cố bài học. Gammar AI kết hợp với Chat GPT cũng là một lựa chọn tốt để thầy cô lên ý tưởng cho bài giảng PowerPoint theo chủ đề.

Bên cạnh đó, cô giáo Phương Anh cũng thường sử dụng ứng dụng Suno AI để sáng tác những bài hát phù hợp với bài dạy của mình, từ đó tạo tình huống có vấn đề để giới thiệu bài học mới.

Nhờ có AI, học sinh trở nên hứng thú hơn với tiết học, các phụ huynh ở nhà đều có những phản hồi tích cực về kết quả học tập cũng như nếp học, nếp chơi của con. Ngoài ra, AI còn có thể giúp giáo viên làm rất nhiều việc khác như xếp thời khóa biểu, hỗ trợ viết sáng kiến kinh nghiệm, lập bảng biểu báo cáo.

phuong-anh-9.jpg
BGH và Công đoàn nhà trường động viên và chúc mừng cô An Thị Phương Anh đạt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 8, năm 2024​.

"Năm học này, là một giáo viên lớp 5 đang bước đầu triển khai giảng dạy theo chương trình SGK mới, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ có AI trợ giúp, tôi cùng các đồng nghiệp trong tổ đã và đang cùng nhau xây dựng một kho học liệu chung của khối 5 theo chương trình SGK mới để góp phần làm phong phú kho tư liệu dạy học, giảm bớt sự vất vả trong việc tìm kiếm tư liệu dạy học cho những năm học tiếp theo", cô Phương Anh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Luật hóa dạy thêm

GD&TĐ - Một lần nữa, dạy thêm được đề cập trên nghị trường Quốc hội, khi các đại biểu thảo luận về Luật Nhà giáo.