Không ngừng sáng tạo, đổi mới
Cô Lê Thị Thanh Huyền - giáo viên Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Châu Sơn, một ngôi trường nhỏ bé nhất của huyện miền núi Ba Vì còn nhiều khó khăn ở Hà Nội. Đây cũng là nơi cô Huyền đã dành cả tâm huyết để xây dựng môi trường học tập chất lượng và ý nghĩa cho học sinh, nơi mà cô luôn gọi là “Vườn ươm những mầm xanh hạnh phúc”.
Với những nỗ lực và tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của mình, cô Huyền là một trong số các thầy cô được Sở GD&ĐT Hà Nội vinh danh và trao giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 8, năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 70 năm truyền thống ngành Giáo dục Thủ đô.
Với trái tim đầy nhiệt huyết và quyết tâm, cô Huyền không chỉ là một người thầy mà còn là một người tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy Tiếng Anh, nhằm mang đến cho học sinh cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ quốc tế một cách bài bản và hiệu quả.
Trước khi trở về công tác tại quê hương Ba Vì, cô đã từng cống hiến tuổi trẻ của mình tại vùng đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ở đó, cô đã vượt qua vô vàn khó khăn để giúp các em học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận với tri thức hiện đại. Cô không chỉ dạy các em Tiếng Anh mà còn truyền tải niềm đam mê học tập và tinh thần tự tin, khám phá thế giới.
Chuyển công tác về Trường Tiểu học Châu Sơn từ năm 2014, cô Huyền đã không ngừng nỗ lực để cải thiện chất lượng giảng dạy Tiếng Anh. Với cô, giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là khơi dậy niềm yêu thích học tập và xây dựng một "lớp học Tiếng Anh hạnh phúc" - nơi học sinh cảm nhận được niềm vui, sự sáng tạo và tự do khám phá ngôn ngữ.
Không chỉ tâm huyết trong công tác giảng dạy tại trường, cô Huyền còn mở rộng ảnh hưởng của mình ra ngoài phạm vi địa phương khi sáng lập CLB giáo viên Tiếng Anh toàn quốc vào năm 2017 với khẩu hiệu hành động: “Giáo viên năng động – Học sinh tích cực” (Active teachers – Active students).
Từ những ngày đầu thành lập, CLB đã trở thành cầu nối cho hàng chục nghìn giáo viên từ mọi miền đất nước. Thông qua các hoạt động chia sẻ chuyên môn, hội thảo trực tuyến và trực tiếp, CLB đã giúp các thầy cô nâng cao kiến thức, cải thiện phương pháp giảng dạy và cùng nhau lan tỏa tinh thần đổi mới trong giáo dục ngoại ngữ.
Từ CLB này, rất nhiều giáo viên, học sinh trên cả nước đã có cơ hội tiếp cận với những tài liệu giảng dạy, phương pháp học tập tiên tiến, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh tại các vùng khó khăn.
Tăng cường trải nghiệm thực tế cho trẻ
Cô Lê Thị Thanh Huyền luôn khát khao xây dựng "lớp học Tiếng Anh hạnh phúc" tại Trường Tiểu học Châu Sơn, nơi các em học sinh không chỉ được học tiếng Anh qua sách vở, mà còn qua các trải nghiệm thực tế, các dự án sáng tạo.
Nữ nhà giáo đã vận động xã hội hóa cùng nhà trường xây dựng lớp học đầy đủ trang thiết bị hiện đại như TV, bảng tương tác, góc STEAM, trang trí lớp học theo chủ đề giúp các em học sinh có cơ hội học Tiếng Anh một cách hứng thú và hiệu quả hơn.
Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô, nhiều học sinh tại Trường Tiểu học Châu Sơn đã đạt được thành tích cao trong các kỳ thi Olympic Tiếng Anh cấp huyện và thành phố, vượt qua những hạn chế về điều kiện học tập để vươn tới thành công.
"Đạt được những thành tựu vừa qua, tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện từ lãnh đạo Phòng GD&ĐT Ba Vì, cảm ơn cô Trần Thị Thanh Tâm - Tổ trưởng tổ Tiểu học cùng BGH Trường Tiểu học Châu Sơn cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của các đồng nghiệp. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để lan tỏa hơn nữa hiệu quả giảng dạy từ những mô hình đã và đang áp dụng", cô Huyền bày tỏ.
Sự tâm huyết và sáng tạo của cô Lê Thị Thanh Huyền không chỉ tạo ra giá trị lớn cho học sinh tại quê hương Ba Vì mà còn lan tỏa tinh thần học tập, cống hiến tới hàng nghìn giáo viên và học sinh trên cả nước. Cô luôn đặt học sinh và niềm vui trong học tập lên hàng đầu, góp phần vào sự phát triển bền vững của giáo dục Ngoại ngữ tại Việt Nam.
Thầy Nguyễn Mai Lâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Sơn, huyện Ba Vì chia sẻ: "Cô Lê Thị Thanh Huyền là một nhà giáo luôn tận tâm, tận hiến và yêu nghề, mến trẻ. Gắn bó với giáo dục vùng còn khó khăn như Ba Vì nhưng tấm lòng nhiệt huyết, tinh thần đổi mới, sáng tạo của cô lúc nào cũng tràn đầy. Nhờ đó, nhiều mô hình hay của cô đã được áp dụng hiệu quả để mang lại giá trị tích cực cho học trò, cải thiện chất lượng giáo dục Tiếng Anh tại nhà trường".