Tận diệt chim yến

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện, cả nước có 22 ngàn nhà nuôi yến và hàng chục đảo yến ở các tỉnh Nam Trung Bộ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn gửi các sở, ngành liên quan, thông báo về tình trạng nguy cấp khi nhiều địa phương trong tỉnh như TP Nha Trang, các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa đang “nở rộ” việc săn bắt chim yến bán cho nhà hàng “đặc sản” và bán cho dân chuyên phóng sinh ở các cổng chùa.

Nếu như năm 2018, tỉnh Khánh Hòa mới chỉ một vài người đi bẫy chim yến thì đến nay đã thành “phong trào” lan rộng khắp các địa phương. Theo thống kê của Công ty Yến sào Khánh Hòa, từ năm 2019 đến nay, tình trạng giăng bẫy, lưới bắt chim yến diễn ra rầm rộ khiến đàn chim trên địa bàn giảm rõ rệt.

Điều đáng báo động là, sau khi chim yến bố mẹ bị bắt, chim non trên tổ các nhà yến trong đất liền hoặc các hang yến ngoài đảo bị bỏ đói rồi chết. Tổ của nó cũng hỏng luôn vì không được “xây cất” thường xuyên.

Trước thực trạng trên, năm 2019, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thành lập Đội chống săn bắt chim yến, thường xuyên tuần tra, kiểm tra nắm tình hình để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến quần thể đàn chim yến, đặc biệt là chim yến đảo; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ quần thể đàn chim yến, không được bẫy, bắt chim yến.

Sau 4 năm triển khai kế hoạch, Đội chống săn bắt chim yến của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thu trên 100 tấm lưới cùng các dụng cụ bẫy chim, giải cứu thả về tự nhiên 15.000 cá thể chim yến. Tuy nhiên, tình trạng bắt, bẫy chim yến vẫn không hề giảm.

Để bẫy chim yến, người ta dùng đủ cách nhưng phổ biến là lưới có sợi rất nhỏ, dân chuyên bẫy chim gọi là “lưới tàng hình”, quấn vào hai cọc tre căng dựng thẳng đứng, sau đó dùng máy phát tiếng kêu của chim được thu âm sẵn và đặt con chim mồi đứng ở giữa lưới. Khi nghe tiếng kêu được phát ra từ máy, lại thấy chim mồi “chấp chới” giữa lưới, chim yến cứ thế lao vào và dính bẫy.

Thực ra, trọng lượng mỗi con chim yến không đáng là bao nhưng vì sao người ta lại thích bắt loài chim này? Có thể các loài chim khác như se sẻ, chim mía đã cạn nguồn nên chuyển qua săn bắt chim yến.

Vả lại, chim yến cũng dễ nhử hơn. Nhưng điều này mới đáng báo động: Nhiều người cho rằng, nước miếng từ tổ chim nay, dinh dưỡng cao như thế thì thân của nó dứt khoát phải bổ! Đó cũng là lý do để dân nhậu thích gọi món chim yến.

Hiện, cả nước có 22 ngàn nhà nuôi yến và hàng chục đảo yến ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Hàng triệu con chim yến cần mẫn xây tổ, cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn yến. Không tính số tổ yến sử dụng nội địa, mỗi năm các đơn vị xuất khẩu trên 120 tấn, mang về 500 triệu đô la. Đây là số ngoại tệ không hề nhỏ được “rút ruột” từ loài chim yến.

Chính vì giá trị kinh tế cao từ tổ yến nên việc giữ gìn loài chim này cũng là giữ “nồi cơm” cho nhiều gia đình nông dân hiện nay. Nhiều người đã thoát nghèo và giàu có nhờ vào nghề nuôi yến sào này.

Việc săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt như thế cần phải có chế tài thật mạnh chứ không thể xem đó như việc bắt, bẫy các loài chim bình thường được.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ