ThS Lương Đức Thiện đã nghiên cứu, tìm ra mô hình phù hợp.
Nuôi chim yến trong phố
TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm. Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện của bão ít và ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi yến trong nhà.
Tuy nhiên, việc nuôi yến tại TPHCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm nguồn cung cấp thức ăn, môi trường sống tự nhiên; chi phí đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao trong quá trình nuôi…
ThS Lương Đức Thiện, Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM đã thực hiện “Nghiên cứu hiện trạng, và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM”, khoanh vùng khu vực phù hợp để nuôi chim yến trong phố, ít ảnh hưởng đến dân cư.
Qua khảo sát cho thấy, kỹ thuật, thiết kế và vật liệu thi công nhà yến tại TPHCM khá đa dạng, nhiều chủng loại, thay đổi và sáng tạo liên tục, nhằm đáp ứng cho điều kiện thời tiết và tăng năng suất cũng như chất lượng tổ yến sau khi thu hoạch. Cụ thể, như nhà mái vòm, mái bằng, kết cấu bằng tôn hoặc bê tông. Vật liệu cho chim bám vào làm tổ có thể là xi măng, gỗ hoặc vật liệu khác.
Để dẫn dụ chim yến, ThS Lương Đức Thiện cho biết, các công nghệ thực hiện cũng khá đa dạng. Trong đó, với 3 phương pháp chính là bằng âm thanh, phân chim yến và tạo mùi thu hút.
Sự kết hợp của cả ba phương pháp này giúp cho việc thu hút chim yến vào nhà yến được hiệu quả hơn, từ đó làm tăng sản lượng tổ yến và doanh thu. Có hai phương thức nuôi yến trong nhà tại TPHCM, là nuôi theo nhà yến kết hợp và phương thức nuôi theo nhà yến chuyên dụng.
Qua khảo sát hiện trạng, đánh giá tác động của việc nuôi yến, nhóm tác giả cho rằng cần có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi yến trên địa bàn thành phố và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong việc phát triển nghề nuôi chim yến theo đúng quy hoạch.
Trong Bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại TPHCM năm 2020 cho thấy, khu vực trung tâm tập trung dân cư khá đông, kéo dài qua phía Đông của các quận Bình Thạnh, Quận 2 và Quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức), vì thế những khu vực này không thuận lợi cho việc phát triển nuôi chim yến.
Chọn khu vực có tiềm năng
Theo nghiên cứu này, 3 khu vực có tiềm năng lớn trong việc phát triển nghề nuôi yến tại TPHCM là huyện Củ Chi, Cần Giờ và khu vực Quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức), đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vùng nuôi yến tiềm năng như: Diện tích thảm thực vật lớn đảm bảo nguồn thức ăn (côn trùng) cho yến sinh sống và phát triển. Mật độ dân cư tại các khu vực này khá thưa thớt nên nghề nuôi yến ít ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, việc xây dựng tiêu chí đánh giá vị trí xây dựng nhà yến, giúp người nuôi xác định khu vực xây nhà yến, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công.
Hiện nay, kích thước xây dựng nhà yến không có tiêu chí nhất định, nhưng theo thống kê cho thấy, nhà yến kích thước chiều ngang tối thiểu trên 5m, chiều dài trên 20m cho sản lượng tổ yến cao hơn những nhà có kích thước nhỏ hơn. Cần thiết kế chiều cao tầng dao động 3,5m đến 4,5m sẽ cho hiệu quả nuôi cao nhất.
Nhóm thực hiện khuyến nghị, cần xây dựng các quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn về chăn nuôi động vật thực hiện trên đối tượng chim yến. Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân nuôi chim yến thực hiện đúng các quy định về sử dụng âm thanh dẫn dụ, công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình đối với các trường hợp sử dụng nhà nuôi chim yến không đúng công năng. Phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, cơi nới nhà ở thành nhà nuôi chim yến không khai báo với chính quyền địa phương và không nằm trong quy hoạch đã được UBND TPHCM phê duyệt.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, trong thời gian tới, các hộ và đơn vị nuôi yến cần đặc biệt chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đem lại hiệu quả vận hành và tăng năng suất nuôi yến, như các hệ thống phun sương hẹn giờ, phát âm thanh hẹn giờ, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm bên trong nhà yến. Ngoài ra, các giải pháp CNTT sẽ mang lại sự chủ động trong quản lý và vận hành môi trường tự động nhằm giảm bớt chi phí nhân công vận hành.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ấp nở, dẫn dụ và nuôi chim yến; quy trình chế biến sản phẩm từ tổ yến, truy xuất nguồn gốc của tổ yến để đảm bảo chất lượng và thương hiệu khi bán ra thị trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các yếu tố bên trong nhà yến, kinh nghiệm nuôi yến từ các nhà yến thành công để tập hợp thành những quy chuẩn cụ thể trong xây dựng nhà yến.
Cần có những nghiên cứu về nhân nuôi côn trùng phù hợp làm thức ăn bổ sung cho chim yến, bên cạnh đó cần nghiên cứu đánh giá các vùng tiềm năng có chim yến về làm tổ. Ngoài ra, có những nghiên cứu và đánh giá sự cân bằng giữa số lượng nhà yến nên xây dựng và quần thể đàn tại khu vực hiện có để tránh mất cân bằng dẫn đến năng suất của nhà yến thấp.