Tân cử nhân thất nghiệp, doanh nghiệp khó kiếm người

Tân cử nhân thất nghiệp, doanh nghiệp khó kiếm người
Một giờ học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội 2
Một giờ học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội 2

(GD&TĐ) - Thị trường lao động nước ta hiện đang tồn tại nghịch lý: Nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, không ít người lao động mất việc; Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn kêu không tuyển được lao động, kể cả lao động bậc cao và phổ thông.

Thất nghiệp trá hình

Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM, tỷ lệ lao động thất nghiệp bình quân của thành phố này ở mức 5,1%. Riêng đối tượng sinh viên, chỉ có khoảng 80% sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm; còn lại 20% tìm việc rất khó khăn, hoặc không tìm được việc phải chuyển đổi ngành học hay làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. 

Trong tổng số sinh viên tìm được việc, chỉ có 50% có việc làm phù hợp với năng lực và phát triển tốt, còn lại làm trái nghề, thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc.

Đặc biệt đáng lưu ý là mâu thuẫn giữa thực trạng rất thiếu lao động trình độ cao với việc vẫn có rất nhiều người được đào tạo bài bản nhưng phải làm trái nghề hoặc làm những công việc bậc thấp – một dạng của “thất nghiệp trá hình”.

Con số PGS.TSNguyễn Bá Ngọc - Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đưa ra khiến chúng ta phải suy nghĩ: Đang có đến 293.629 người có trình độ ĐH, CĐ làm nhân viên phục vụ cá nhân, bảo vệ trật tự - an toàn xã hội và bán hàng có kỹ thuật, chiếm 6,78% tổng việc làm của những người có trình độ CĐ, ĐH. Và có đến 64.131 người có trình độ ĐH (chiếm 1,53%) làm các công việc của nhân viên sơ cấp, nhân viên kỹ thuật văn phòng; 57.271 người làm các công việc của lao động giản đơn, chiếm 1,37%.

Mặc dù có tình trạng khan hiếm một số loại lao động trình độ cao nhưng thực tế tỷ lệ thất nghiệp của lao động trình độ cao còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Năm 2011, lao động trình độ CĐ nghề (đây là lần đầu tiên ra trường lớp công nhân trực tiếp trình độ CĐ nghề) có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, lên tới 12%; lao động có trình độ CĐ là 6% và trình độ ĐH trở lên là 3,2%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung (2,7%).

Thống kê trên cả nước, thời điểm 1/10/2012, cả nước có 984.000  người thất nghiệp, trong đó, số thất nghiệp có trình độ TCCN chiếm 6,7%, CĐ chiếm 5,6% và cao nhất là tốt nghiệp trình độ ĐH trở lên với 11,3%.

Hàng trăm nghìn chỗ làm trống

 Trong khi vẫn còn quá nhiều người thất nghiệp thì khó ai ngờ rằng, chỉ riêng địa bàn TPHCM, hàng năm vẫn cần đến hàng trăm nghìn nhân lực.

Vẫn là kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, giai đoạn 2013 – 2015, dự kiến nhu cầu nhân lực 1 năm của thành phố khoảng 270.000 chỗ làm, trong đó lao động trình độ CĐ, ĐH trở lên chiếm 31% với 89.100 chỗ. 

Nhu cầu nhân lực lớn nhất thuộc về ngành Dệt may – Giầy da – Thủ công mỹ nghệ với 27.000 chỗ làm việc mỗi năm; Tiếp đến là các ngành: Dịch vụ - Phục vụ, Maketing, Du lịch – mỗi ngành cần 21.600 nhân lực mỗi năm. Nhiều ngành hàng năm cần trên 10.000 lao động như: Quản lý tài chính (16.200); Xây dựng – Kiến trúc – Môi trường (10.800); Y tế (10.800); Giáo dục – Đào tạo (13.500); Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm: 10.800...

Riêng 4 nhóm ngành kinh tế chủ lực của thành phố, như ngành cơ khí, nhu cầu nhân lực là 8.100; Điện tử - Công nghệ thông tin: 16.200; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm: 10.800; Hóa chất – Nhựa cao su: 10.800.

Giai đoạn 2013 - 2015, TPHCM cần nhất là lực lượng lao động phổ thông (chiếm đến 25%); tiếp đến là lao động trình độ trung cấp (17%); công nhân kỹ thuật (15%). Nhu cầu nhân lực trình độ trên ĐH chỉ chiếm 5%; trình độ ĐH: 15%, CĐ: 13%; trung cấp: 17%; sơ cấp nghề: 10%.

Theo nhận định một số chuyên gia, từ nhiều năm qua, vấn đề thiếu hụt lao động đã được đặt ra, tuy nhiên, chưa bao giờ TPHCM phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn một cách nghiêm trọng như những năm gần đây do chỉ có 50% lao động  mới qua đào tạo.

Đặc biệt, lực lượng lao động có trình độ từ trung cấp, CĐ, ĐH trong một số ngành nghề còn rất ít ỏi, chất lượng chưa đạt so với yêu cầu. Thống kê của PGS.TS Lý Hoàng Ánh và TS Trần Mai Ước (Trường ĐH Ngân hàng TPHCM), tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các ngành: Quản lý điều hành, tin học, kế toán, nhân sự - hành chính văn phòng, tài chính – ngân hàng... Bên cạnh khu vực trung tâm, tại các vùng ven TPHCM, sư phạm và y tế là những ngành hiện đang có nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực

Nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu

Nguyên nhân chính của nghịch lý “thừa thiếu – thiếu thừa” này vẫn là do nhân lực đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội; sự mất cân đối giữa cung – cầu lao động. Sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp với năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động.

Ngoài ra, còn là sự yếu kém các kỹ năng của sinh viên như kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, khả năng tự học, khả năng tự quản lý, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp...

Ngoài chất lượng sinh viên thì phần lỗi cũng phải kể đến là hệ thống thông tin thị trường lao động và hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm hiện nay còn hạn chế.

Nhận định khái quát hơn, ông Trần Anh Tuấn - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM - cho rằng: Nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế kinh tế - xã hội của thành phố phát triển.n

Đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp hơn nhiều so với nước khác.

Nếu lấy thang điểm 10 để đánh giá, thì chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 các nước ở châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, số điểm của Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59 và Thái Lan là 4,49 điểm...

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012 – 2013 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xuất bản năm nay: So sánh trực tiếp hai trụ cột phản ánh năng lực cạnh tranh của nhân lực – Việt Nam gần như đứng cuối cùng trong 9 nước tham gia xếp hạng. Đánh giá 15 nhân tố cản trở nhất đối với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, WEF cho rằng: Lao động được đào tạo không phù hợp (nhân tố thứ 4/15); Động cơ/thái độ/trách nhiệm kém của người lao động (nhân tố 7/15) và khả năng sáng kiến thấp (nhân tố 13/15)...

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.