Tầm vóc và giá trị di sản Hồ Xuân Hương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là 1 trong 6 danh nhân được UNESCO vinh danh cùng Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu.

Hàng trăm bức tranh lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương hội tụ trong triển lãm 'Hồ Xuân Hương - Tài năng và bí ẩn'.
Hàng trăm bức tranh lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương hội tụ trong triển lãm 'Hồ Xuân Hương - Tài năng và bí ẩn'.

Sự kiện UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022) và 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương - đã minh chứng tầm vóc của nữ thi hào.

Các hoạt động kỷ niệm đã thu hút đông đảo giới nghiên cứu văn học trong và ngoài nước hội tụ về làng Quỳnh, thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Tầm vóc thi hào

Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại quê hương làng Quỳnh - xã Quỳnh Đôi.

Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại quê hương làng Quỳnh - xã Quỳnh Đôi.

Theo TS Hồ Bất Khuất, Hồ Xuân Hương không phải nhân vật huyền thoại như một số người vẫn tưởng. Họ tên thực của bà là Hồ Phi Mai, hiệu là Xuân Hương, tự là Cổ Nguyệt Đường. Bà sinh năm 1772 và mất năm 1822. Căn cứ cuốn “Hồ Tông thế phả”, Hồ Xuân Hương là nhân vật có thật và bà đã để lại di sản thơ đồ sộ - độc đáo và đặc sắc.

Hội thảo khoa học quốc tế “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” là hoạt động nằm trong chuỗi kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm của Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp tổng kết di sản của nữ sĩ họ Hồ sau kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Hồ Xuân Hương.

Đó là sự khẳng định, đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, sự sáng tạo trong văn học cũng như tư tưởng vượt thời đại về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ mà Hồ Xuân Hương đã thực hiện từ hơn 200 năm trước.

Hồ Xuân Hương là con của ông Hồ Phi Diễn, thuộc dòng dõi họ Hồ Phi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu - dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao, là những bậc trí thức đương thời.

Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, được tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm” với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm - một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới.

Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện tập thơ chép tay có tên là “Lưu hương ký” của Hồ Xuân Hương gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm. Lời tựa do Tốn Phong viết, được TS Hồ Bất Khuất (Trường ĐH Vinh) đánh giá “là một sự kiện gây chấn động tích cực”.

Theo PGS.TS Biện Minh Điền (Trường ĐH Vinh), Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, mang tầm vóc một thi hào. Tiếng Việt, đặc biệt qua thơ Hồ Xuân Hương, là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật đa nghĩa, nhiều hàm ý, quá sắc sảo, độc đáo và tài hoa, đầy thách thức đối với các văn nhân đương đại khi chuyển ngữ, dịch thơ bà sang tiếng nước mình.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, một số học giả người Nga khi dịch, biên soạn và chú giải thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Nga đã nhận thấy Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa. Tính đến năm 2021, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 13 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

Trên trang website “The Poetry Foundation” (Hiệp hội Thơ Hoa Kỳ) đã chọn dịch và giới thiệu một cách trang trọng 5 bài thơ của Hồ Xuân Hương: “Bánh trôi nước” (Floating Sweet Dumpling), “Quả mít” (Jackfruit), “Ốc nhồi” (Snail), “Ong tò vẽ” (Wasps), “Dỗ người đàn bà khóc chồng” (Lamenting Widow) kèm theo lời bình của dịch giả, nhà thơ Marilyn Chin.

Có thể nói tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền (quyền bình đẳng, quyền được yêu thương, hạnh phúc, quyền được công khai hiện diện trong cuộc sống) với tất cả những gì mà tạo hóa ban cho họ. Điều này được thể hiện trong các bài thơ của bà như: Bánh trôi nước, Thiếu nữ ngủ ngày, Đèo Ba Dội, Động Hương Tích, Vịnh cái quạt, Dệt cửi, Đánh đu.

Đậm đà bản sắc và lan tỏa

Dịch giả nước Cộng hòa Slovakia giới thiệu cuốn sách dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Slovakia.

Dịch giả nước Cộng hòa Slovakia giới thiệu cuốn sách dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Slovakia.

GS.TS Trần Đình Sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận định, thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng. Nghệ thuật của thơ Hồ Xuân Hương dù là vịnh người, vịnh vật, vịnh cảnh… đều là vừa ẩn dụ, vừa biểu tượng, vừa có chút tả thực. Ví như bài “Quả mít” - những từ như da nó xù xì, múi nó dày, đóng cọc, mân mó, nhựa ra tay... đều có ý tả thực.

Khác biệt trong thơ Hồ Xuân Hương là có yếu tố sắc dục, nhưng không chuyên về một phương diện nhục cảm, mà trước hết là một nhà thơ trữ tình với cái tôi cô đơn, số phận thiệt thòi, khát khao hạnh phúc. Bà còn có những bài nói về cuộc sống gia đình, số phận người làm lẽ, chế nhạo kẻ dốt nát, những bài thơ khóc chồng, những bài thơ bỡn cợt.

“Hồ Xuân Hương là nhà thơ đa tài, thơ Hán đã hay mà thơ Nôm càng hay, có phần lấn lướt thơ chữ Hán. Bà có thể làm rất nhiều loại thơ khác nhau, mà thơ nào cũng điêu luyện, đọc lên rung động cả tâm hồn. Riêng loại thơ diễm tình (erotic) có truyền thống lâu đời trong thơ Đông Á”, GS.TS Trần Đình Sử cho biết.

GS John Balaban (Đại học North Carolina State, Mỹ) nhận định: “Bà viết về cả những điều mà các nhà thơ khác không dám làm. Thơ Hồ Xuân Hương độc đáo, hiếm có, mang đậm bản sắc Việt Nam, có sức lan truyền rộng rãi trên thế giới. Bà là một nhà thơ đẳng cấp thế giới”.

Giới nghiên cứu cho rằng, hơn 200 năm qua trên văn đàn Việt Nam - hiếm có thi sĩ nào có được tầm vóc, để lại cho hậu thế một di sản văn chương và văn hóa độc đáo đến thế. Bởi vậy, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là 1 trong 6 danh nhân được UNESCO vinh danh cùng với Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu.

Nhân dịp kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất của Hồ Xuân Hương, nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật và hội thảo khoa học diễn ra nhằm làm sáng tỏ tầm vóc thi hào cũng như những giá trị di sản mà sinh thời - nữ sĩ đã tạo dựng.

Trong khuôn khổ vinh danh và kỷ niệm, tỉnh Nghệ An còn phối hợp với TP Hà Nội tổ chức triển lãm hội họa “Hồ Xuân Hương - Tài năng và bí ẩn” với hàng trăm bức tranh của các họa sĩ trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ