Hồ Xuân Hương trong hành trình Việt hóa thơ Đường luật

GD&TĐ - Hồ Xuân Hương - Bà Chúa thơ Nôm là gương mặt thơ nữ tiêu biểu nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn học, văn hóa đương thời.

Tranh minh họa về Hồ Xuân Hương. Ảnh: ITN
Tranh minh họa về Hồ Xuân Hương. Ảnh: ITN

Hơn nữa, thơ Hồ Xuân Hương còn vang lên tiếng nói nữ quyền cứng cỏi trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ và thường phủ nhận vai trò người phụ nữ.

Quá trình tiếp xúc với văn học nước ngoài nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng trong suốt thời kì trung đại luôn song hành những đặc điểm vừa mang tính thống nhất vừa đối lập nhau, trên cơ sở đó, ông cha ta đã vừa tiếp thu tinh hoa văn học nước ngoài, vừa dân tộc hóa những yếu tố ngoại sinh để làm phong phú nền văn học dân tộc. Những đặc điểm trên được thể hiện rõ nhất trong việc tiếp thu thể thơ Đường luật của Trung Quốc.

Thơ Đường luật là thể thơ có quy định chặt chẽ, phức tạp về luật, niêm, vần, đối và bố cục với dạng thức chính là thất ngôn bát cú (7 tiếng, 8 câu). Có thể nói ngay từ cuối thời Bắc thuộc chữ Hán và các thư tịch đã được truyền bá sang nước ta dù còn mang tính tự phát.

Kể từ khi giành được độc lập tự chủ (thế kỷ X) cùng với việc xây dựng Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, các triều đại đã sử dụng chữ Hán cũng như tiếp thu nhiều thể văn hành chính và các thể thơ văn nghệ thuật trong đó có thơ Đường luật.

Đến khoảng thế kỷ XIII, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt, đây là một bước tiến văn hóa quan trọng nhất trong thời trung đại. Như vậy cùng với việc sử dụng chữ Hán, các trí thức phong kiến đã dùng chữ Nôm để sáng tác, các tác phẩm chữ Nôm ngày càng chiếm ưu thế trong đời sống văn học trung đại trong đó có những tác phẩm mang tầm kiệt tác cũng như mang giá trị nhân đạo sâu sắc.

Diện mạo thơ Nôm Đường luật rất đa dạng, phong phú tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…

Điều đáng quan tâm nhất ở Hồ Xuân Hương lại là tác giả nữ tiêu biểu nhất thời trung đại với quan niệm trọng nam khinh nữ và thường phủ nhận vai trò người phụ nữ. Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ viết về phụ nữ với những suy nghĩ phóng khoáng, mới mẻ nhất là trong quan niệm tình yêu, hạnh phúc kể cả tín ngưỡng phồn thực trong xã hội phong kiến đầy khuôn phép, lễ nghi nhằm tiết chế cái tôi cá nhân nhất là đối với phụ nữ.

Thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương về cơ bản đã có sự Việt hóa mạnh mẽ ở ngôn từ hình ảnh, thi liệu nhất là tư tưởng. Trong các sáng tác của bà hiện còn thì số lượng thơ chữ Nôm chiếm khá lớn và có sức phổ biến rộng rãi hơn cả.

Chân dung hư cấu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên bìa sách Giai nhân dị mặc của học giả Nguyễn Hữu Tiến, 1916.

Chân dung hư cấu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên bìa sách Giai nhân dị mặc của học giả Nguyễn Hữu Tiến, 1916.

Vị trí của nữ sĩ họ Hồ trong lịch sử văn học dân tộc một lần nữa được khẳng định khi tháng 11/2021, UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương là Danh nhân văn hóa thế giới nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất của Hồ Xuân Hương (1772 - 1822), cùng dịp vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Hồ Xuân Hương đặt ra rất nhiều vấn đề cho giới nghiên cứu phê bình suốt hơn một thế kỷ qua, nhiều vấn đề đã sáng tỏ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ xin đề cập một vài khía cạnh nhỏ trong sự bề bộn ấy, đó là việc Việt hóa thơ Đường luật của bà chúa thơ Nôm.

Trước hết, về mặt ngôn từ chúng tôi thấy rất nhiều từ ngữ nôm na, gần gũi, các từ láy đôi, láy ba kể cả khẩu ngữ trong đời sống được đưa vào thơ hết sức tự nhiên như: Chém cha, quệt, xiên ngang, đâm toạc, chín mõm mòm, đỏ lòm lom, hỏm hòm hom, trơ toen hoẻn… Chính hệ thống ngôn từ giàu sức biểu cảm đó đem lại cho thơ Nôm của bà sự gần gũi, mới mẻ nhưng vô cùng hiểm hóc, khác hẳn những ngôn từ Hán học xơ cứng đã trở nên nhàm chán trong thơ Đường luật vốn gò bó, chật hẹp:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Năm thì mười họa hay chăng chớ

Một tháng đôi lần có cũng không.

Làm lẽ

Bày đặt kia ai khéo khéo phòm

Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom

Người quen cõi Phật chen chân xoạc

Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm.

Động Hương Tích

Điều đáng lưu ý thứ hai trong thơ Hồ Xuân Hương là ở việc sử dụng những hình ảnh biểu tượng, đa nghĩa trong cả thơ vịnh cảnh, vịnh vật, vịnh việc. Các hình ảnh, biểu tượng này cơ bản được nhìn qua “lăng kính phồn thực” như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra.

Chính điều này đem lại cho thơ Nôm của bà sự dân dã, gần gũi với thơ ca dân gian. Có lẽ cũng chính điều này mà có hiện tượng chồng lấn văn bản mà các nhà văn bản học còn tiếp tục nghiên cứu bởi có thể có những sáng tác của các Nho sĩ không đề tên sau đó được phổ biến và mặc định là thơ của Hồ Xuân Hương, ở đây chúng tôi chỉ khảo sát những bài thơ đã được chúng minh của bà.

Trong các hình ảnh, biểu tượng đó chúng ta dễ dàng liệt kê như: Kẽm Trống, đèo Ba Dội, hang Cắc Cớ, quả mít, ốc nhồi, cái quạt, tát nước, đánh đu, trống thủng, giếng nước… Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thông qua hệ thống hình ảnh, biểu tượng đó, Hồ Xuân Hương đã thể hiện những diễn ngôn riêng của mình, đó là vấn đề nhục cảm, tính dục trong khi xã hội phong kiến thường tránh đề cập đến:

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,

Người thì lên đánh kẻ thì trông,

Trai co gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

Đánh đu

Trời đất sinh ra đá một chòm,

Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom.

Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,

Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.

Hang Cắc Cớ

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.

Đèo Ba Dội

Khi đề cập đến quá trình Việt hóa thơ Đường luật ở Hồ Xuân Hương chúng ta không thể không nhắc đến những vấn đề thuộc về tư tưởng thơ của bà. Trong khi nhiều Nho sĩ thời phong kiến tuân thủ những nguyên tắc sáng tác chi phối thời bấy giờ là “Văn dĩ tải đạo” (Văn chở đạo) và “Thi dĩ ngôn chí” (Thơ nói chí) thì Hồ Xuân Hương hầu như không đề cập đến.

Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) được mệnh danh là “Bà Chúa thơ Nôm”. Ảnh: ITN

Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) được mệnh danh là “Bà Chúa thơ Nôm”. Ảnh: ITN

Thơ của bà thường mang nỗi niềm của người phụ nữ nhiều lận đận trong tình duyên, bày tỏ khát vọng về hạnh phúc, tình yêu lứa đôi, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, khát vọng bình đẳng giới, nhưng trên hết vẫn là tiếng nói của một người yêu đời, yêu cuộc sống.

Điều này thể hiện khá rõ trong cảm hứng sáng tác nói chung cũng như qua những bài thơ cụ thể. Có thể nói trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động thơ Nôm của bà cùng với Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… đã góp phần hình thành trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học trung đại cũng như giai đoạn văn học cổ điển trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc.

Những vấn đề “nữ quyền luận” đã được vang lên mạnh mẽ và đầy bản lĩnh: Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu (Đề đền Sầm Nghi Đống) hay Chém cha cái kiếp lấy chồng chung (Làm lẽ).

Khi đề cập đến những vấn đề trên chúng ta cũng không thể bỏ qua chùm thơ Tự tình gồm ba bài. Có thể coi đây là tiếng thơ trữ tình tiêu biểu của nữ sĩ, mỗi bài viết trong một hoàn cảnh nhưng thống nhất trong mạch cảm xúc, châu tuần quanh một trục tâm trạng và cùng thể hiện một diễn ngôn về khát vọng tình yêu, hạnh phúc của một người phụ nữ lận đận tình duyên.

Ngay nhan đề Tự tình đã phần nào hé mở cho người đọc ít nhiều những cảm xúc chủ đạo ấy, mặc dù tự bộc lộ cảm xúc nhưng không giống Tự thán, Tự thuật, Mạn thuật, Trần tình trong thơ Nguyễn Trãi. Hồ Xuân Hương mặc dù trong nghịch cảnh nhưng vẫn mong mỏi có một tài tử văn nhân nào đó kiểu như Có phải duyên nhau thì thắm lại:

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,

Oán hận trông ra khắp

mọi chòm.

Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.

Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,

Sau giận vì duyên để mõm mòm.

Tài tử văn nhân ai đó tá?

Thân này đâu đã chịu già tom!

Tự tình 1

Đến bài thơ Tự tình 2, nỗi cô đơn, trống vắng càng thể hiện rõ hơn giữa khung cảnh đêm khuya thanh vắng, người phụ nữ nhận thấy thời gian trôi đi mà tình duyên vẫn chưa trọn vẹn.

Bên cạnh đó, bài thơ còn thể hiện bản lĩnh, sức sống mạnh mẽ, sự phản kháng quyết liệt qua những hình ảnh vầng trăng, đám rêu, hòn đá tất cả không còn là sự vật vô tri vô giác mà mạnh mẽ, cứng cỏi như vạch đất, vạch trời mà hờn oán, cật vấn khi mùa xuân của đất trời vòng trở lại cũng là lúc tuổi xuân của người phụ nữ ra đi:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Tự tình 2

Bài thơ Tự tình 3 mang tâm trạng của người phụ nữ gặp nhiều bất công, ngang trái giữa cuộc đời qua hình ảnh con thuyền lênh đênh, trôi dạt. Người phụ nữ ôm nỗi đau vào lòng, oán thán trước những nghịch cảnh nhưng cũng từ đó thấy được khát vọng hạnh phúc chưa khi nào nguôi ngoai ở bà chúa thơ Nôm:

Chiếc bánh buồn vì phận nổi lênh,

Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.

Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,

Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.

Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

Tự tình 3

Hồ Xuân Hương qua nét vẽ của họa sĩ đương đại.

Hồ Xuân Hương qua nét vẽ của họa sĩ đương đại.

Có thể nói mặc dù những bài thơ Nôm của nữ sĩ họ Hồ có hình thức của thơ Đường luật nhưng giọng điệu hết sức tự nhiên, phóng túng. Ngôn từ, hình ảnh gần gũi với lời ăn tiếng nói nhân dân và trên hết, thơ của bà thể hiện tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ trong xã hội hà khắc, bảo thủ.

Quá trình Việt hóa thơ Đường luật đến Hồ Xuân Hương diễn ra mạnh mẽ thể hiện tiếng nói dân tộc cũng như nhu cầu bộc lộ sáng tạo cá nhân trong các sáng tác nghệ thuật đã được ý thức sâu sắc.

Để khép lại bài viết nhỏ này, chúng tôi xin mượn nhận định của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương: “Người phụ nữ lạ lùng đó, như một du khách, để lại dấu chân mình trên nhiều danh lam thắng cảnh, táo bạo và tự tin đề thơ khắp nơi. Ở những địa danh nàng qua, vạn vật trở nên rạo rực, căng đầy sức sống, thậm chí tràn ra ngoài khuôn khổ thông thường.

Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một tác giả, lại là tác giả nữ, dám nhìn thế giới qua lăng kính phồn thực học” - “Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam” (NXB Đại học Quốc gia, tái bản, 1999).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...